Tranh chấp quỹ bảo trì
Đầu tháng 6/2020, cư dân Chung cư Dream Home Luxury (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã căng băng rôn yêu cầu CĐT là Công ty Cổ phần Nhà Mơ bàn giao 2% quỹ bảo trì. Theo Ban Quản trị (BQT) chung cư, mặc dù, đã hơn 5 năm trôi qua kể từ ngày bàn giao nhà và BQT chung cư đã được thành lập từ lâu, nhưng CĐT vẫn chưa bàn giao quỹ bảo trì, dẫn đến việc cơ sở vật chất chung cư xuống cấp nhưng không được sửa chữa, bảo trì kịp thời do không có kinh phí gây ảnh hưởng đến cuộc sống và an toàn của cư dân. Mặc dù, BQT chung cư đã nhiều lần kiến nghị đến Công ty Cổ phần Nhà Mơ nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Tương tự, tại Chung cư Dream Home Residence (quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng do Công ty Cổ phần Nhà Mơ làm CĐT, 450 hộ dân đã nhận nhà và dọn về sinh sống đã gần 3 năm nhưng đến nay, CĐT vẫn chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư, bầu BQT khiến cư dân lo lắng cho số phận của 2% quỹ bảo trì do cư dân đóng góp không biết đã được CĐT sử dụng như thế nào trong thời gian qua.
Liên quan đến các vụ việc trên, Công ty CP Nhà Mơ đã có buổi làm việc với BQT cư dân Chung cư Dream Home Luxury và CĐT đã hứa sẽ cung cấp các số liệu, chứng từ của Quỹ bảo trì cho BQT. Khi kết thúc kiểm toán độc lập vào cuối tháng 7/2020, CĐT sẽ chuyển khoản 50% quỹ bảo trì. Sau 30 ngày kể từ ngày chuyển khoản đợt 1, CĐT sẽ chuyển khoản 50% số quỹ bảo trì còn lại. Còn đối với Chung cư Dream Home Residence, mới đây, Công ty CP Nhà Mơ đã thông báo lộ trình tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu sau gần 3 năm bàn giao nhà cho cư dân.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tại nhiều chung cư, CĐT không tổ chức Hội nghị nhà chung cư do CĐT muốn “ôm” quản lý vận hành nhà chung cư, qua đó, quản lý luôn phần kinh phí bảo trì và sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung của cư dân. Thậm chí, một số chung cư đã được thành lập BQT nhưng CĐT vẫn chưa hoàn thành bàn giao kinh phí bảo trì cho BQT dẫn đến tranh chấp gay gắt giữa cư dân với CĐT, do chung cư xuống cấp nhưng không có tiền bảo trì, sửa chữa.
Cư dân Dream Home Luxury căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư Nhà Mơ bàn giao sổ hồng và quỹ bảo trì cho họ |
Còn nhiều bất cập
Trong Văn bản báo cáo tình hình quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố mà Sở Xây dựng TP.HCM vừa gửi UBND TP.HCM và Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng cho rằng, việc quản lý, vận hành chung cư hiện còn nhiều bất cập, đồng thời, kiến nghị cần có biện pháp xử lý dứt điểm trong thời gian tới.
Do đó, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất bỏ cơ chế giao CĐT thu phí bảo trì chung cư để giải quyết mâu thuẫn giữa cư dân và CĐT. Đồng thời, Sở kiến nghị điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế CĐT bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho BQT theo hướng các bên khởi kiện tại tòa.
Về lâu dài, Sở Xây dựng TP.HCM cũng kiến nghị bỏ cơ chế giao CĐT thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay. Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do BQT chung cư thu của các chủ sở hữu căn hộ trong quá trình quản lý, sử dụng. Số thu quỹ bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư sẽ dựa theo tỉ lệ % mà Hội nghị nhà chung cư quyết định.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, Luật Nhà ở năm 2014 quy định người mua căn hộ chung cư phải nộp phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua nhà (trước thuế VAT) tại thời điểm nhận bàn giao nhà, CĐT có trách nhiệm bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư cho BQT - những người đại diện do cư dân bầu lên để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Do vậy, quỹ bảo trì nhà chung cư thường có giá trị rất lớn. Vì vậy, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, phương thức thu và quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư như cách làm hiện nay đang gây ra nhiều bất cập, không chỉ làm tăng gánh nặng của người mua nhà mà còn là nguyên nhân dẫn tới những tranh chấp lợi ích gay gắt về quyền quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư có giá trị rất lớn này.
Luật sư Nguyễn Minh Thế, Công ty Luật TNHH Ocean Stars Lawyers (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 109, Luật Nhà ở năm 2014, quỹ bảo trì chung cư chỉ được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của nhà chung cư, không được sử dụng cho việc quản lý, vận hành nhà chung cư và các mục đích khác. Các hạng mục và phần diện tích thuộc sở hữu chung, nhà sinh hoạt cộng đồng của nhà chung cư được sử dụng phần kinh phí này.