Rà soát hợp đồng chuyển nhượng
Số liệu công bố từ Tổng cục Thuế cho biết, trong quý I vừa qua, bằng các giải pháp nghiệp vụ cộng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nên công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS đã có những kết quả tích cực. Thuế thu nhập cá nhân của hoạt động chuyển nhượng BĐS đạt 8,2 nghìn tỷ đồng; tăng 63% so với 3 tháng đầu năm 2021.
Lãnh đạo Chi cục Thuế quận Nam Từ Liêm - Hà Nội cho hay, cơ quan thuế căn cứ vào cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai tính thuế và tham khảo giá thực tế chuyển nhượng ở một số khu vực, vị trí tương đương đã phát hiện các rủi ro trong việc kê khai nộp thuế và yêu cầu kê khai lại. Cá biệt có tổ chức cá nhân đã kê khai giá chuyển nhượng BĐS tăng từ 2 - 5 lần so với giá kê khai ban đầu.
“Để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế BĐS, cơ quan này không trả lại hồ sơ mà chỉ tuyên truyền để người đi nộp thuế bổ sung các thông tin cần thiết cũng như khai đúng giá trị”- vị này nhấn mạnh.
Tình trạng sốt đất khiến việc xem xét thu thuế BĐS lại được đưa vào tầm ngắm, theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, các hoạt động đăng ký biến động đất đai tại các Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc bộ phận một cửa tại các quận, huyện, thị xã hiện đang rất chậm trễ.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Hạnh - Giám đốc sàn BĐS Phát Đạt cho biết, chị mua 1 lô đất tại Phú Yên. Tuy nhiên, đã 4 tháng nay, vẫn chưa thể lấy được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Tôi đã nhiều lần liên lạc với đơn vị cấp Giấy nhưng họ chỉ trả lời do việc rà soát lại các hồ sơ nên việc cấp GCN bị chậm trễ. Thời hạn trả sổ cho người dân thì không biết đến bao giờ. Bức xúc hơn, ngành thuế buộc dân phải kê khai thuế lại theo giá thị trường tuy nhiên quy định giá thị trường là giá nào, khung giá tối đa là bao nhiêu thì không quy định cụ thể, người dân biết khai giá nào?” - chị Hạnh nói.
Cần đưa ra giải pháp đồng bộ
Theo quy định của Việt Nam, các sắc thuế liên quan đến đất đai gồm có Thuế Giá trị gia tăng, thuế chuyển nhượng BĐS 2%, thuế trước bạ 0,5% và loại thuế cho tài sản phi nông nghiệp là 0,03%.
Việc rà soát hồ sơ chuyển nhượng để chống tình trạng khai man giá chuyển nhượng sẽ mang lại tác động tích cực về điều tiết thị trường, giảm tình trạng đầu cơ. Tuy nhiên, nó lại đang tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư và hoạt động mua bán giao dịch trên thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế BĐS cần xem xét trên lộ trình dài hạn. Thuế có thể đơn giản chỉ là cần tăng nguồn thu để tạo công bằng. Song phải lưu ý thuế BĐS có hiệu ứng phụ, nếu không lường trước được sẽ gây ra hệ lụy là đột nhiên thu nhập của một bộ phận người dân bị co lại, như vậy tổn thất chung của nền kinh tế lớn hơn lợi ích mang lại từ thuế. Do đó, thuế phải được xây dựng một cách khoa học, cần có những đánh giá tác động đến chi tiêu xã hội.
Báo cáo mới nhất từ trang thông tin Batdongsan.com.vn cho hay, đầu quý II, mức độ quan tâm đến sản phẩm BĐS bán trên cả nước đã giảm 18% so với tháng liền trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là do cơ quan quản lý Nhà nước siết chặt hơn quy định về thuế và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu siết nguồn tín dụng vào BĐS là những lý do khiến người mua và nhà đầu tư BĐS có tâm lý thận trọng hơn.
Bên cạnh việc đánh thuế, thị trường BĐS đang đối diện với thực trạng lạm phát, chi phí tài chính gia tăng và chịu ảnh hưởng từ siết chặt tín dụng. Ảnh hưởng trực tiếp là dòng tiền sẽ khắc nghiệt hơn, nhà đầu tư cá nhân, thứ cấp chịu áp lực lớn sẽ phải điều chuyển danh mục đầu tư và tác động đến thanh khoản. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong huy động nguồn vốn và đình trệ việc phát triển sản phẩm mới.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Thành viên Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị, để hạn chế việc "né" thuế trong chuyển nhượng BĐS, cần giải quyết những bất cập về giá đất hiện nay. Hiện Nhà nước quản lý dựa trên khung giá đất, trong khi khung giá khác xa so với thị trường, thường là thấp hơn nhiều. Vì vậy, cơ quan quản lý cần ban hành khung giá nhà, đất tính thuế và điều chỉnh hằng năm sao cho phù hợp, sát giá thực tế chuyển nhượng trên thị trường. Bên cạnh đó, cần có sự quản lý đồng bộ của địa phương, các cơ quan thuế, tăng cường kiểm tra để phát hiện các trường hợp chuyển nhượng BĐS có dấu hiệu "bất minh".
Ngoài ra, vấn đề của thị trường hiện nay là cần giải được bài toán cân bằng nguồn cung nhà ở giữa các loại hình. “Đa dạng nhà ở tại nhiều phân khúc sẽ là căn cơ giúp thị trường giải bài toán giá. Còn nếu vấn đề này không được giải quyết, các biện pháp tài chính cũng chỉ là để tác động lên một vài nhóm tài sản nhất định. Cần có những chính sách để đưa vào thị trường những chủng loại nhà ở đa dạng để cân bằng nguồn cung. Cần có giải pháp căn cơ chính là tạo nguồn cung trên thị trường, giảm bớt thủ tục pháp lý.