Những người phụ nữ đưa cây trồng lên đất dốc...
Theo dọc sông Đà, chúng tôi tìm về xã Chiềng Ơn để gặp chị Điêu Thị Hằng, người Bí thư Chi bộ kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Huổi Ná.
Gần 40 tuổi, dáng người cao gầy, làn da hơi ngăm đặc trưng vùng sông nước, chị Hằng khoe: Huổi Ná có 113 hộ dân, 3 dân tộc, thì nay chỉ còn 7 hộ nghèo, cận nghèo. Có được thành công ấy là nhờ người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Chị Hằng chia sẻ: Trong quá trình tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tham quan các mô hình, tôi thấy rõ hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đã ấp ủ mong muốn giúp bà con quê hương triển khai các mô hình để xóa nghèo. Tôi đã về tuyên truyển vận động, hướng dẫn bà con thay đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây ăn quả trồng thay thế những diện tích cây nông nghiệp đã bạc màu, kém hiệu quả.
Năm 2020, thực hiện chủ trương của huyện về phát triển cây dứa, xoài phục vụ nhà máy chế biến rau quả, toàn bản Huổi Ná đã đăng ký trồng gần 18ha dứa, 54ha xoài.
Anh Hoàng Văn Hặc, bản Huổi Ná phấn khởi: Nghe theo lời tuyên truyền của huyện và sự vận động của chị Hằng, gia đình tôi đã tham gia trồng 2 ha xoài, dứa. Cây trồng hợp đất, hợp khí hậu, năm 2022, quả bé nhất cho thu hoạch từ 5-6 lạng và to nhất từ 8 lạng đến 1 kg. Tôi đang dự kiến mở rộng thêm 1 ha nữa và sẽ mua bạt về phủ để không phải làm cỏ vất vả như vụ vừa rồi…
Được biết, cuối năm 2006, nghe theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, 85 hộ dân đã rời bỏ mảnh đất quê hương về định cư ở Huổi Ná, nhường đất phục vụ xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La. Qua 17 năm, bản tái định cư đầy khó khăn giờ đã vươn mình thành một trong những bản có kinh tế phát triển của xã Chiềng Ơn.
Dọc 2 bên đường là những ngôi nhà khang trang được lợp mái ngói đỏ tươi, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển nông sản. Sự vui tươi, phấn khởi hiển hiện trên nét mặt từng người dân, với niềm tin vào một ngày mai sẽ càng tươi sáng, no ấm hơn trên quê hương thứ 2.
Chia tay Huổi Ná, chúng tôi tìm về Nặm Ét, xã vùng 3 còn nhiều khó khăn, nơi sinh sống của 3 dân tộc anh em Thái, La Ha, Mông để lắng nghe câu chuyện về người phụ nữ dân tộc Thái Lò Thị Thương và hành trình đưa cây cam, bưởi lên đất dốc.
Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo tại xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, sau khi lập gia đình tại bản Nong, xã Nặm Ét, huyện Quỳnh Nhai, chị Lò Thị Thương băn khoăn khi thấy cuộc sống bà con dân bản còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nung nấu ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu, năm 2018, người phụ nữ ấy đã mạnh dạn vay 140 triệu đồng để mua cây giống, phân bón; thuyết phục gia đình chuyển đổi 6.000m2 đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cam, bưởi da xanh.
Chị Thương chia sẻ: Năm đầu thực hiện mô hình, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên vườn cây phát triển chậm, nhiều sâu hại. Không nản lòng, tôi đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thêm trên các kênh thông tin, sách báo về cách trồng và chăm sóc cây ăn quả. Tích cực đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở những nơi đã trồng thành công; tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của huyện, xã để trau dồi kiến thức.
Trời không phụ lòng người, giờ đây, gia đình chị Thương đã có trên 500 cây cam, bưởi. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, vụ thu hoạch năm 2022, trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 60-70 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của gia đình chị Thương, chị Lường Thị Ngoan, người cùng bản đã mạnh dạn trồng gần 1.000 cây cam, bưởi da xanh. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt.
Theo lộ trình, năm 2024, Nặm Ét phấn đấu về đích nông thôn mới. Xác định tiêu chí thu nhập là điều kiện quan trọng để thực hiện các tiêu chí khác, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập.
Đến nay, toàn xã có khoảng 200ha cây ăn quả trên đất dốc, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 13,9% và hướng tới còn dưới 13% vào cuối năm nay.
Quỳnh Nhai phấn đấu đến năm 2025, trồng mới từ 2.500 ha dứa giống mới, năng suất cao tại các xã Mường Giôn, Cà Nàng, Chiềng Ơn, Nặm Ét…; 1.500 ha cây ăn quả lâu năm với các loại cây trồng chủ lực như: Xoài, nhãn chín muộn, mắc ca…; phát triển 1.400ha cây dược liệu (chủ yếu là sa nhân cao sản) trên diện tích rừng của các xã.
Phủ màu xanh no ấm…
Với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, những năm qua, từ các nguồn vốn ưu đãi, huyện Quỳnh Nhai đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ cải tạo vườn tạp, xác định hướng đi trong tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tránh tình trạng được mùa - mất giá, được giá - mất mùa.
Đặc biệt, triển khai nhiều giải pháp để thay thế cây lương thực ngắn ngày, cây hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán rừng theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, góp phần phủ xanh các diện tích đất trống, đồi núi trọc, giải bài toán kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là phát triển thủy sản; phát triển diện tích cây ăn quả trên đất dốc, cây dược liệu dưới tán rừng, tán cây ăn quả.
Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích nông hộ sử dụng giống cây trồng mới có chất lượng cao gắn với việc chọn lọc, bảo tồn, nhân diện các giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao…
Đến nay, toàn huyện có gần 2.000 ha cây ăn quả. Đã hình thành nhiều mô hình trồng cây theo hướng hữu cơ, giúp người dân nâng cao thu nhập như: Mô hình trồng cây sa nhân tại bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng; mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc và trồng cây dược liệu của Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Chiềng Khay; Mô hình trồng chè, cà phê xã Chiềng Khoang… Nhiều hộ gia đình tại các xã Mường Giàng, Chiềng Ơn, Mường Giôn, Chiềng Khay... đã chuyển đổi trên 100ha đất sang trồng dứa nguyên liệu…
Không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo bền vững, việc đưa cây ăn quả lên đất dốc đã góp phần quan trọng giảm mạnh đất trống đồi núi trọc, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, góp phần giữ nước, chống xói mòn, cải tạo đất. Hướng tới bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của Quỳnh Nhai giảm còn 5,82%; đặt mục tiêu xuống còn 5% năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo của nhiều xã giảm sâu như: Mường Sại giảm 9,3%, Cà Nàng giảm 3,3%, Chiềng Khay giảm 2,49%... Hàng nghìn hộ nghèo đã được hỗ trợ cây giống, đào tạo về kỹ thuật sản xuất, tạo nguồn sinh kế ổn định.