Xã hội

Những người nông dân làm giàu từ đất khó

Nguyễn Nga 28/06/2024 - 17:24

(TN&MT) Hơn 20 năm về trước, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, hàng chục nghìn hộ dân Quỳnh Nhai (Sơn La) đã thực hiện cuộc đại di dân lịch sử… Trên quê hương mới, bước qua bao khó khăn, bỡ ngỡ, những người nông dân Quỳnh Nhai hôm nay đã tự mình viết lên câu chuyện về sự siêng năng, cần cù, chăm chỉ, để thoát khỏi cái đói, cái nghèo trên mảnh đất quê hương.

Dám nghĩ, dám làm

Tiết trời những ngày cuối tháng 6 mưa nắng thất thường, nắng gắt mới đó nhưng lại đổ mưa bất chợt lúc nào không hay. Cũng bởi thế, con đường lên tới các bản làng vùng cao của huyện ven sông Đà Quỳnh Nhai của chúng tôi càng trở nên gian nan, trắc trở hơn.

Từ trung tâm huyện, dọc theo quốc lộ 279, chúng tôi tìm về xã vùng hồ Chiềng Ơn.

- Là xã di vén lòng hồ thủy điện Sơn La, đất sản xuất hạn chế, vậy Chiềng Ơn đã làm gì để ổn định đời sống, tạo sinh kế cho bà con? Tôi hỏi.

Trầm ngâm giây lát, đồng chí Hoàng Văn Tế - Phó Chủ tịch UBND xã giới thiệu cho chúng tôi tìm về bản Đồng Tâm, xã Chiềng Ơn với lời giới thiệu: Nhà báo xuống cơ sở, nắm bắt một số mô hình sản xuất của bà con nhé! Như vậy sẽ nắm rõ và chi tiết hơn là nghe các số liệu báo cáo từ xã.

z5578741539279_1c571b7c6c3fa8f5b6881e718c0a6919-1-.jpg
Anh Lò Văn Quỳnh bên đàn bò của gia đình.

Theo lời giới thiệu ấy, chúng tôi tìm gặp anh Lò Văn Quỳnh, dân tộc Kháng, bản Đồng Tâm. Dáng người cao, gầy, nước da ngăm đen, nhìn anh già dặn hơn độ tuổi 40 của mình khá nhiều. Bên chén trà còn tỏa hương, anh Lò Văn Quỳnh bồi hồi nhớ lại: Khoảng những năm 2010, thực hiện công cuộc di dân tái định cư thủy điện Sơn La, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, gia đình mình cùng bà con nhân dân trong bản phải di chuyển lên nơi ở mới, nhường lại nơi ở cũ cho dòng chảy của sông Đà.

Lên nơi ở mới, những ngày đầu bao giờ cũng đầy khó khăn, vất vả, hoang mang và bỡ ngỡ. Phải làm gì để phát triển kinh tế, nuôi gia đình, thoát đói nghèo? Được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự trợ giúp kịp thời của cán bộ xã, bản, năm 2019, gia đình anh đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội huyện để sửa sang chuồng trại, đầu tư mua 4 con bò, 10 con dê và xây dựng vườn ươm cây giống.

Thiếu kinh nghiệm, ngày đầu khởi nghiệp của anh đầy gian truân, vật nuôi gầy yếu, phát triển chậm, hiệu quả kinh tế chưa cao, áp lực vay vốn ngân hàng làm đôi vai anh như trĩu nặng thêm. Nhưng không chùn bước, bằng ý chí, sự quyết tâm thoát khỏi cái đói, cái nghèo, anh Quỳnh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn đào tạo ngắn hạn về chăn nuôi, trồng trọt.

Cứ được cán bộ thông báo là có lớp, có chương trình nào là anh lại mạnh dạn đăng ký tham gia, rồi anh đi tham quan học hỏi thêm các mô hình đã thành công ở những xã, bản khác. Đêm về, anh vùi mình vào báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet để tìm hiểu, tiếp thu các cách làm hay, hiệu quả.

“Muốn thoát nghèo, không còn đường nào khác ngoài sự nỗ lực của bản thân, thức khuya dậy sớm lao động sản xuất và không ngừng học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Nhờ đó, tôi dần biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn vật nuôi thoát còi cọc, ngày càng phát triển. Hiện nay, gia đình có trên 10 con bò, hơn 10 con dê và nhiều gia cầm khác. Mô hình chăn nuôi đã ổn định, tôi cũng mới mua được 1 nền nhà, dự tính đầu năm 2025 sẽ làm nhà mới…” anh Quỳnh hớn hở khoe.

“Đồng Tâm” đã phát huy hiệu quả đúng như cái tên của mình. Thấy được sự cần cù, chăm chỉ và hiệu quả từ mô hình kinh tế của gia đình anh Quỳnh, nhiều hộ dân đã mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và làm theo để mong xóa đi cái đói, cái nghèo đã dai dẳng đeo bám bao đời.

chuong-trinh-30a-chuong-trinh-135-huyen-quynh-nhai-da-ho-tro-hon-4.300-con-bo-sinh-san-cho-nguoi-dan.jpg
Từ các nguồn vốn giảm nghèo, huyện Quỳnh Nhai đã hỗ trợ hơn 4.300 con bò sinh sản cho người dân.

Cùng với đó, để hỗ trợ người dân ổn định đời sống, xã Chiềng Ơn đã quan tâm làm tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con giảm dần diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả; xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị cao và vận động nhân dân liên kết thành lập HTX thủy sản theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm.

Ông Hoàng Văn Tế, Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Ơn chia sẻ: Hộ gia đình anh Lò Văn Quỳnh là một trong những điển hình về tinh thần không ngừng tìm tòi, sáng tạo, vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá trong năm 2023 với mô hình nuôi bò nhốt chuồng, trồng cây ăn quả trên đất dốc. Nhờ những tấm gương như anh Quỳnh, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 của xã là 12,9% đến nay đã giảm xuống còn 10,81%. Góp sức cùng Chiềng Ơn giữ vững và phát triển danh hiệu xã nông thôn mới.

Thoát nghèo nhờ hướng đi đúng

Rời Chiềng Ơn, chúng tôi tiếp tục tìm về xã vùng 3 Mường Sại, nơi sinh sống của đông đảo bà con dân tộc Thái, La Ha… Từ trung tâm xã, vượt qua 14km đường dốc quanh co tìm về bản Pha Dảo, để chứng kiến người dân nơi đây đưa cây trồng mới lên đất dốc, tận dụng diện tích đất trống trồng cỏ phục vụ chăn nuôi để giảm nghèo như thế nào.

nong-dan-xa-muong-sai-huyen-quynh-nhai-phat-trien-chan-nuoi-theo-huong-beeng-vung.jpg
Người dân xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, bao đời vất vả với cây ngô, cây sắn, ước mơ đổi đời trên mảnh đất quê hương luôn được gia đình anh Lầu A Ly ấp ủ. Không cam chịu đói nghèo, sau nhiều đêm trắng trăn trở, anh biết rằng, muốn làm giàu trên chính đồng đất quê hương trước tiên phải thay đổi tư duy, cách làm, và phải có kiến thức về lĩnh vực mình muốn làm.

Nói là làm, anh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kĩ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt do xã, huyện, tỉnh phối hợp tổ chức và học hỏi kinh nghiệm qua sách, báo, đi thăm quan các mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả ở nhiều địa phương. Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay, gia đình anh vẫn duy trì các cây trồng truyền thống trên nương như ngô, sắn, lúa, nhưng đã mở rộng sang trồng cây dứa và nuôi bò nhốt chuồng từ 5-7 con/lứa.

Anh Ly phấn khởi nói: Từ một hộ nghèo, giờ gia đình tôi đã trở thành hộ có thu nhập khá. Công việc bận rộn và vất vả, nhưng bù lại, có nguồn thu nhập ổn định, lo cho các con ăn học đầy đủ. Bản tôi có 79 hộ, thì nay chỉ còn 8 hộ nghèo thôi.

Theo lãnh đạo UBND xã Mường Sại, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngoài khai thác mặt nước hồ để nuôi cá lồng, Mường Sại đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện tốt chăn nuôi gia súc.

Song những năm trước kia, chăn nuôi gia súc chủ yếu là thả rông, người dân ít quan tâm đến phòng bệnh nên gia súc hay bị bệnh, chết. Qua tuyên tuyền, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, các hộ gia đình đã chú trọng tiêm vắcxin định kỳ hàng năm, chuyển chăn thả sang nuôi nhốt gắn với trồng cỏ voi, tích trữ rơm rạ sau mỗi vụ gặt và ủ chín thức ăn cho gia súc. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn 9,6%.

Chào tạm biệt anh Ly, chúng tôi rời Mường Sại khi nắng chiều sắp tắt. Dọc con đường về trung tâm huyện, rất dễ bắt gặp những vạt cỏ được tận dụng trồng ven đường, trên đồi, trên nương, bãi đất trống, hay dưới những vườn chuối xanh tốt được trồng ngay trong vườn nhà. Người dân đã chủ động chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém sang trồng cỏ voi, tạo nguồn thức ăn tích trữ cho đàn vật nuôi của mình. Được biết, toàn huyện Quỳnh Nhai hiện có trên 600ha cỏ phục vụ chăn nuôi.

“Cho cần câu, đừng cho con cá” – Có thể nói, những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đã tạo bệ đỡ cho người dân nơi đây an tâm phát triển kinh tế. Song, quan trọng không kém chính là tinh thần chủ động, ý chí, nghị lực thoát nghèo của bà con nhân dân.

Sự vào cuộc nhanh nhẹn, nắm bắt thời cơ, tận dụng khai thác thế mạnh sẵn có của địa phương, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện từng bước vượt qua khó khăn, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mới. Góp phần chung sức đưa viên ngọc Quỳnh Nhai vững bước trên chặng đường đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người nông dân làm giàu từ đất khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO