Quỳnh Lưu (Nghệ An): Cần ngăn chặn phá rừng tự nhiên ở Tân Sơn

13/01/2018 18:21

(TN&MT) - Nhiều tháng nay, một diện tích rừng tự nhiên ở xã Tân Sơn – huyện Quỳnh Lưu đã bị chặt đốt. Mặc dù chính quyền địa phương đã xử lý nhưng chưa quyết liệt, triệt để. Các cơ quan chức năng huyện này cần phải vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn triệt để hiện tượng trên.  

Ngang nhiên phá rừng tự nhiên
 

Vào trưa ngày 3/1/2018, theo chân người dẫn đường PV đã có mặt tại khu vực tiểu khu 347C, thuộc đội 4 -  xóm Tiến Sơn -  xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu. Tại đây, nhiều đám rừng tự nhiên bị chặt đốt không thương tiếc. Càng lên cao trên đỉnh đồi càng có nhiều gốc cây gỗ có đường kính khoảng 20 cm còn trơ gốc, một số cây dẻ bị chặt hạ nhưng chưa bị những kẻ phá rừng róc cành mang xuống, nhiều đám cây nhỏ bị chặt đổ rạp đang phơi khô chờ ngày đốt. Lác đác xuất hiện những khúc gỗ nhỏ đã được cắt khúc chờ vận chuyển xuống núi. Trên đỉnh núi vẫn còn cả can đựng dầu hỏa để làm nhiên liệu đốt củi tươi, cả một vùng đồi nhuốm một màu tro  xám xịt.
 

Rừng tự nhiên ở xã Tân Sơn không chỉ có dây leo, bụi rậm, lau lách mà còn có những cây gỗ bản địa sống nhiều năm.
Rừng tự nhiên ở xã Tân Sơn không chỉ có dây leo, bụi rậm, lau lách mà còn có những cây gỗ bản địa sống nhiều năm.


Một con đường nhỏ được làm từ chân núi lên đến đỉnh hình trôn ốc ôm chặt cả ngọn núi. Con đường ngoài để vận chuyển keo nguyên liệu khai thác ở diện tích rừng sản xuất có thể nó còn được sử dụng để chở gỗ, củi bị chặt ở trên cao xuống. Gần diện tích đã được chặt đốt, nhiều gốc cây đã được máy múc thu dọn tập kết thành từng đống. Khi chúng tôi tiếp cận hiện trường thì vết lốp và gàu máy múc vẫn còn tươi mới, có gần 1/3 trái núi bị đào bới, gốc cây, đá mồ côi nằm ngổn ngang trên đồi. Theo người dân cho biết đó là dấu hiệu chuẩn bị cho một vụ trồng rừng mới.
 

Rừng chặt hạ xong bị đốt trơ trọi để trồng keo
Rừng chặt hạ xong bị đốt trơ trọi để trồng keo

Người dẫn đường ở địa phương này cho PV biết: Họ chặt lâu lắm rồi, cứ lâu lâu họ lại đốt một lần. Toàn bộ diện tích bị đốt là rừng tự nhiên được khoanh nuôi bảo vệ để tái sinh.
 

Một người ở xóm Tiến Sơn chứng kiến cảnh chặt rừng ở đây than thở: Họ làm có tổ chức không phải một hộ làm mà có nhiều hộ tham gia. Trên kia họ còn mang cả máy múc làm đường, san gạt trên đỉnh để trồng mới cây keo một cách ngang nhiên.
 

Cần xử lý dứt điểm
 

Hiện nay, xã Tân Sơn có trên 1.600 ha đất rừng, trong đó, có 200 ha rừng phòng hộ. Vài tháng gần đây, theo trong biên bản xác minh của xã Tân Sơn thì diện tích rừng bị phá ngoài thiết kế phê duyệt của dự án 147 của Sở NN&PTNT là 0,15 ha thuộc tiểu khu 347C, khoảnh 3, lô 67. Tuy nhiên, theo thông tin từ người dân Tân Sơn và so với thực tế mà PV nắm bắt thì diện tích rừng bị phá lớn hơn nhiều lần so với con số ít ỏi vẻn vẹn 0,15 ha ghi trong biên bản?
 

Những kẻ phá rừng mang dầu hỏa lên núi để dùng làm nhiên liệu đốt cây rừng sau khi đã chặt hạ.
Những kẻ phá rừng mang dầu hỏa lên núi để dùng làm nhiên liệu đốt cây rừng sau khi đã chặt hạ.


Nói về việc phá rừng ở đội 4 – xóm Tiến Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, ông Đậu Phi Châu, cho biết: Sau khi xảy ra vụ việc xã và kiểm lâm đã xác mình và xử lý phạt hành chính đối tượng phá rừng là ông Nguyễn Văn Quyết ở xóm Tiến Sơn. Hiện, UBND xã đã nghiêm cấm việc trồng cây mà yêu cầu để nguyên hiện trạng để tái tạo rừng. Ông Châu cũng cho biết thêm: Do nhận thức về pháp luật của một số người dân có hạn, việc tìm kiếm nguồn lợi từ rừng để trang trải cuộc sống của người dân bức thiết nên mới xảy ra hiện tượng như vậy.
 

Ngày 4/1/2018, ông Hồ Văn Quỳ - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quỳnh Lưu cho biết không hề có vụ phá rừng nào ở Tân Sơn trong mấy tháng qua. Ông khẳng định với PV đầu quý I năm 2017, có một vụ phá rừng trái phép nhưng đã được chính quyền và kiểm lâm xử lý. Còn diện tích ở trên tiểu khu 347C chỉ là cây leo, lau lách trước đây người dân chỉ chặt để lấy đất trồng keo?
 

Dấu vết đốt còn rất mới
Dấu vết đốt còn rất mới

Ông Quỳ cũng khẳng định: Sau khi xử lý vào đầu năm, đến nay, không có hiện tượng chặt phá còn rừng bị đốt như dân phản ánh chỉ là đốt cành khô chặt từ hồi đầu năm. Kiểm lâm và chính quyền xã cũng buộc chủ rừng không được trồng mới mà để đó để rừng tái tạo tự nhiên.
 

Lời ông Hạt trưởng là vậy, thế nhưng khi PV làm việc với ông Đậu Văn Nam - kiểm lâm địa bàn phụ trách xã Tân Sơn thì vị này cho biết: Vụ chặt phá rừng mới đây đã giao cho chính quyền địa phương xử lý vào ngày 30/11/2017, phạt tiền và yêu cầu không được trồng cây lên diện tích đã bị chặt phá, nếu trồng cũng chỉ được trồng cây bản địa như: lát, sao… Còn hiện nay, việc đốt rừng trên núi như người dân phản ánh chỉ do người đi chăn trâu đốt mỗi nơi một ít không phải do người dân phá rừng vì họ đã bị xử phạt rồi?
 

Diện tích rừng bị chặt phá là nhiều héc ta chứ không như báo cáo của cơ quan chức năng chỉ 0,15ha
Diện tích rừng bị chặt phá là nhiều héc ta chứ không như báo cáo của cơ quan chức năng chỉ 0,15ha

Ông Nam cũng khẳng định: Hiện nay, ở Tân Sơn có một số diện tích rừng khoanh nuôi nhưng trữ lượng nghèo nhiều bà con muốn phá để trồng cây nguyên liệu nhưng chúng tôt dứt khoát xử lý nếu vi phạm, chặt cây nào thì trồng lại cây đó, ví dụ như chặt thông thì trồng lại cây thông.
 

Qua trao đổi với hai cán bộ kiểm lâm rõ ràng, năm 2017, tại địa bàn xã Tân Sơn – huyện Quỳnh Lưu có 2 vụ phá rừng, quý I có một vụ đã xử lý, nhưng đến quý IV rừng ở đây lại tiếp tục bị chặt phá và với diện tích lớn hơn nhiều so với số liệu báo cáo thực tế nhưng không hiểu vì sao ông Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu Hồ Văn Quỳ lại cố gắng bưng bít thông tin?.
 

Vụ việc phá rừng tự nhiên tại xã Tân Sơn là có thật và với diện tích nhiều héc ta. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng huyện Quỳnh Lưu cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra thực tế hiện trường và nhanh chóng đưa ra biện pháp xử lý quyết liệt, đủ sức răn đe đối tượng phá rừng để chấm dứt hiện tượng trên, tránh gây bức xúc trong dư luận.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quỳnh Lưu (Nghệ An): Cần ngăn chặn phá rừng tự nhiên ở Tân Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO