Quyết tâm chống dịch COVID-19

Hoàng Ngân| 17/02/2021 17:07

(TN&MT) - Những ngày giáp tết và đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, cả nước ta đã dồn sức, căng mình cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Hà Nội truy vết thần tốc khi có ca mắc COVID-19 mới

Sau khi đi qua 2 đợt lây nhiễm trên diện rộng, Việt Nam đang bước vào đợt lây nhiễm thứ 3. Bắt đầu từ ngày 27/1, tính đến 6h ngày 17/2, Bộ Y tế cho biết, có 717 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó, Hải Dương 537 ca, Quảng Ninh 60 ca, TP. Hồ Chí Minh 36 ca, Hà Nội 35 ca, Gia Lai 27 ca, Bình Dương 6 ca, Bắc Ninh 5 ca, Điện Biên 3 ca, Bắc Giang 2 ca, Hưng Yên 2 ca, Hòa Bình 2 ca, Hà Giang 1 ca, Hải Phòng 1 ca.

Trước Tết Nguyên đán, nhận thức sâu sắc về những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chỉ ít giờ ngay sau khi mới phát hiện 2 ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng (1 ca ở Hải Dương, 1 ca ở Quảng Ninh), chiều và tối ngày 27/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có liên tiếp hai cuộc họp khẩn với lãnh đạo Bộ Y tế và 2 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương. Sáng 28/1, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, nơi đang diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập cuộc họp khẩn về công tác phòng chống COVID-19 và yêu cầu các lực lượng chức năng nỗ lực khoanh gọn nhất, dập nhanh nhất, không để dịch lây lan rộng.

Truy vết xuyên đêm giao thừa

Ngày Tết, khi người người, nhà nhà đang tất bật cho những lo toan để chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy thì ngoài kia, những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch vẫn đang chiến đấu từng phút từng giờ, vẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để điều tra dịch tễ, truy vết, các công tác lấy mẫu, xét nghiệm vẫn đang được thực hiện xuyên đêm, các lực lượng điều trị, cách ly vẫn chưa từng ngơi nghỉ bởi cuộc chiến chống dịch COVID-19 chưa bao giờ dừng lại, bởi dịch bệnh là kẻ thù vô hình, bởi chống dịch luôn như là chống giặc.

Trên địa bàn Hà Nội, khi người dân đang vui xuân, đón Tết, hơn 10.000 đội phòng chống dịch COVID cộng đồng, vẫn đang bám trụ xuống tận từng cụm dân cư, vẫn quyết tâm cao độ thực hiện công tác đến từng nhà tuyên truyền về phòng chống COVID-19; nắm bắt người có triệu chứng, báo ngay cho cơ quan y tế; tiếp tục rà soát xem còn sót ai đi từ vùng dịch về nhưng không khai báo; phát hiện kịp thời những người nhập cảnh trái phép.

Tại TP. Hồ Chí Minh, khi mọi người rộn ràng chuẩn bị sắm Tết, nhân viên Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh vẫn đang túc trực ngày đêm, trực tiếp thực hiện công tác điều tra dịch tễ khi có nhu cầu từ Thành phố cũng như các địa phương khu vực lân cận.

Quá trình truy vết được dựa trên khai thác thông tin lịch trình di chuyển, sinh hoạt tiếp xúc của ca nhiễm, nghi nhiễm (ca chỉ điểm), để từ đây với sự huy động của toàn bộ các nguồn lực từ truy xuất hệ thống camera, điều tra dịch tễ, các mối quan hệ gia đình, người thân, người quen cho đến các biện pháp kêu gọi tự giác khai báo, khuyến khích tố giác các đối tượng trốn khai báo cũng được huy động tối đa nhằm đảm bảo không bỏ sót các yếu tố dịch tễ, đánh giá đúng, phân loại phù hợp các nhóm đối tượng và yếu tố liên quan giúp các hoạt động phong tỏa, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm được giảm áp lực và tiến hành hiệu quả, nhanh chóng.

Tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với đại dịch COVID-19

Tuy nhiên, trong những ngày tháng tới, diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn rất phức tạp, đòi hỏi phải bền bỉ, quyết liệt ngăn chặn. Đặc biệt là tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương - nơi có tới 60 nghìn công nhân. Còn ở Hà Nội, tình hình khá phức tạp sau khi một người Nhật tử vong xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Để chủ động phòng chống dịch, Bộ Y tế kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch COVID-19, huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống dịch ngay từ những ngày đầu năm 2021.

Các địa phương không tổ chức các lễ hội sau Tết Nguyên đán, các sự kiện tập trung đông người; tiếp tục tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, các dịch vụ không thiết yếu; hạn chế du xuân, chúc tết, hạn chế tối đa tập trung đông người.

Tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn khi làm việc; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch tại địa phương, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn. Khẩn trương thực hiện việc truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập tắt ổ dịch, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, sinh phẩm xét nghiệm thuốc men cho tình huống dịch xảy ra lan rộng trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng chống dịch.

Để chủ động phòng chống dịch, hiện một số tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương thông báo sẽ tiêm vắc xin miễn phí cho người dân của tỉnh ngay sau khi nhập được số lượng vắc xin về Việt Nam.

Bộ ngành như Bộ TN&MT cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện khai báo y tế theo mẫu. Đối với người từ các địa bàn, địa phương có dịch, cần phải hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, thực hiện làm việc trực tuyến. Đối với trường hợp đã từng đi, đến, về từ huyện Cẩm Giàng từ ngày 15/1 đến nay cần lấy ngay mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và giám sát sức khỏe theo quy định.

Đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc, nơi tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đặc biệt trước khi tham dự các cuộc họp; không sử dụng điều hoà trung tâm; tăng cường các cuộc họp làm việc trực tuyến, bảo đảm khoảng cách 2 m tại nơi làm việc. Các đơn vị thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc ra vào cơ quan, đo thân nhiệt. Tạm dừng kế hoạch cử đoàn công tác có liên quan đến vùng dịch cho đến khi có thông báo mới của Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm chống dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO