Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh gói phục hồi kinh tế

Thanh Tùng -Khương Trung| 01/06/2022 17:34

(TN&MT) - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, để tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, việc quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ phục hồi kinh tế rất quan trọng.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 1/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

66(1).jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Linh hoạt trong chọn nhà thầu thực hiện dự án đầu tư công

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022. Trong bài phát biểu này, đại biểu xin đi vào vấn đề đầu tư công.

Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, nói về đầu tư công thì điều chúng ta thường nghĩ đến là không có tiền để đầu tư, đó là thuận lý. Tuy nhiên, thời gian qua, đầu tư công lại luôn tồn tại một nghịch lý đó là có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai và kéo theo chậm giải ngân. “Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh nhức nhối, không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.

So với cùng kỳ năm 2021, trong 4 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tương đương; 4 tháng năm 2022 là 18,48%, còn 4 tháng đầu năm 2021 là 18,65%. Điều này cho thấy, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt trong giai đoạn thực hiện mục tiêu kép cho đến giai đoạn bình thường mới. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các Bộ, ngành, địa phương có nhiều vấn đề đặt ra.

“Trong 4 tháng đầu năm 2022 có 43/51 Bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 17%. Còn 17 Bộ, cơ quan Trung ương từ khi phân bổ vốn đến hết tháng 4 vẫn chưa thực hiện giải ngân”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh dẫn chứng, và cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do các Bộ, ngành, địa phương cố đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công. Khi được phân bổ từ Trung ương mới bắt đầu phân bổ cụ thể nên gặp vướng mắc dẫn đến chậm trong phân bổ vốn cho dự án; công tác giải phóng mặt bằng chậm, không lường trước những khó khăn và việc lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực.

tuan-anh.jpg
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, trong báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những năm đầu 2022, Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp đó là triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả, kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy được hiệu quả.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, thực tế thực hiện điều chuyển vốn không phải dễ vì theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 không thể điều chỉnh vốn ngân sách từ địa phương này cho các địa phương khác. Để xử lý dứt điểm căn bệnh trầm kha này, đại biểu đề nghị cần phải minh bạch trong lựa chọn nhà thầu, vì hiện nay, có quá nhiều chiêu thức để chủ đầu tư gây khó khăn cho nhà thầu chân chính nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu sân sau quen biết, có cả trường hợp quây thầu, vây thầu như đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn đã đề cập.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật, đối với các dự án đầu tư công phải thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên, qua khảo sát các dự án gần đây cho thấy số tiền chênh so với mức chủ đầu tư đưa ra là không nhiều. Nói cách khác là rất sát, chưa nói sau khi trúng thầu còn chây ì để được bù trượt giá còn cao hơn chỉ định thầu. “Rõ ràng Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công cùng hệ thống pháp luật liên quan vẫn còn những lỗ hổng dẫn đến việc thực thi pháp luật chưa hiệu quả và chưa nghiêm”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.

Mặt khác, cần một cuộc cách mạng trong việc lập các dự án mới trên tinh thần chủ động thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn các khâu xin ý kiến và chờ thông qua mới triển khai lập dự án mời thầu, đấu thầu. Vì thực tế, một số dự án thời gian qua thực hiện quy trình đấu thầu gấp đôi thời gian chỉ định thầu. Đại biểu lấy ví dụ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thời gian thực hiện quy trình đấu thầu mất 58 ngày, trong khi đó, chỉ định thầu 29 ngày, lựa chọn nhà thầu xây lắp qua đấu thầu gần 76 ngày, chỉ định thầu là 41 ngày.

Theo đại biểu, thời gian dài cũng khiến dự toán bị lỗi thời và làm tăng chi phí, tính khả thi không cao khi áp dụng vào thực tế. Vì vậy, đối với các dự án đầu tư công cần linh hoạt, cho phép chỉ định thầu để rút ngắn được thời gian lựa chọn nhà thầu có năng lực, có uy tín theo từng dự án.

Đối với quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần xem xét sửa hoặc ban hành nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Triển khai nhanh gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

Cơ bản đồng tình với báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, một năm qua, sự kịp thời trong việc ban hành các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những cơ chế đặc biệt chưa có tiền lệ, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, kinh tế - xã hội của nước ta đã đảm bảo được vĩ mô, một số chỉ tiêu của năm 2021 đạt kết quả tích cực hơn nhiều so với thời điểm Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 2 như: tăng thu ngân sách Nhà nước cao gấp 10 lần, kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu cao gấp 2 lần, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,84%, số đã báo cáo Quốc hội tăng khoảng 4%, tỷ lệ lao động đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 26,1% so với mục tiêu đặt ra là 25,5%.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Hùng Thắng cho rằng, còn một số chỉ tiêu đạt thấp và có khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra, cần được sự quan tâm chú trọng nhiều hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,58% so với số đã báo cáo Quốc hội là 3 đến 3,5% và so với mục tiêu là khoảng 6%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng chỉ đạt hơn 37% so với mục tiêu là 45 đến 47%, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều chỉ giảm 0,52% so với mục tiêu giảm từ 1 đến 1,5%.

Những tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội đã có nhiều khởi sắc, thể hiện rõ xu hướng phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại và dự báo những tháng còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo còn không ít khó khăn, thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và những mặt trái của cơ chế thị trường.

thang.jpg
Đại biểu Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Hùng Thắng bày tỏ nhất trí cao với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới mà trong Báo cáo của Chính phủ đã đề ra, trong đó, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành một cách nhanh nhất triển khai gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội để tránh lỡ nhịp tăng trưởng, phục hồi và đúng với tính chất kỳ họp bất thường của Quốc hội. Đến nay, việc triển khai nghị quyết này còn rất chậm đối với các dự án đầu tư, lĩnh vực y tế và công trình hạ tầng.

Mặt khác, hiện việc giải ngân vốn đầu tư công đang là điểm nghẽn của phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh điểm nghẽn của một số vấn đề về cơ chế, chính sách, hiện nhu cầu vốn cho nền kinh tế khá lớn, nhu cầu phục hồi rất cấp bách trong việc giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2022 còn rất thấp. Đây cũng là vấn đề tồn tại bấy lâu nay cử tri và doanh nghiệp chưa thật sự yên tâm.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng cho rằng, tăng thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh 4 tháng đầu năm 2022 chỉ ở mức 5,4%. Điều đó cho thấy, dù kinh tế đã có sự phục hồi, song còn nhiều khó khăn, nhất là các hoạt động kinh tế trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, việc làm cho người lao động và tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước. Do đó cần có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy tăng thu bền vững.

Một vấn đề khác, theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đều được Quốc hội xem xét thông qua chủ trương từ khá sớm, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn được Quốc hội thông qua từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV. Nhưng cho đến nay, việc triển khai phân bổ vốn chỉ vừa mới được quyết định ngay trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ 3. Cử tri rất quan tâm và mong muốn Chính phủ khẩn trương hơn nữa đối với 3 chương trình mục tiêu này nhằm hỗ trợ không chỉ cho từng hộ gia đình mà còn giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ.

Về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã giữ xu hướng tăng đều trong gần 2 năm qua và chưa có xu hướng giảm đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cần có những giải pháp cụ thể nhằm ổn định thị trường, giá cả, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm bớt khó khăn cho đời sống của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh gói phục hồi kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO