Quyền năng của "thượng đế"

Phương Anh| 15/03/2022 06:14

(TN&MT) - Một thị trường bền vững là thị trường hướng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Và người tiêu dùng phải thật sự là “thượng đế” - gốc cội của sự cạnh tranh.

15/3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, tập trung khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước.

Thực tiễn, tăng trưởng xanh là quan điểm được Đảng và Nhà nước lựa chọn để thực hiện phát triển bền vững đất nước. Nhìn vào tiến trình phát triển kinh tế trước đây, có thể thấy, quá trình thay đổi tư duy thường không dễ dàng. Bởi lẽ, sự điều chỉnh, thay đổi tư duy, hành động từ “kinh tế trước, môi trường sau” sang đặt các vấn đề tài nguyên và môi trường vào vị trí trung tâm của các quyết định phát triển sẽ khó khăn và trở ngại hơn so với việc lồng ghép chúng. Song, tư duy đúng, trúng sẽ là cơ sở, nền tảng tiên quyết cho các quyết định và hành động phát triển bền vững trong tương lai.

Điều này càng đúng và là kim chỉ nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ. Câu chuyện sản xuất xanh hướng tới tiêu dùng xanh bắt đầu phát triển mạnh mẽ cho thấy rõ giá trị là khi doanh nghiệp sớm nhận thức được vai trò và thể hiện trách nhiệm sạch và xanh sẽ chiếm được niềm tin, đón nhận của người tiêu dùng, cộng đồng và xã hội. Làm ăn chộp giật, mất mát lớn nhất là không có chỗ đứng trong lòng “thượng đế”.

tieudung.jpg
Ảnh minh họa

Nhìn ra thế giới có thể thấy, tại các thị trường văn minh như: Mỹ, EU, Singapore… khi “văn hóa tẩy chay” trở nên phổ biến, sức ép cộng đồng là một lá chắn hữu hiệu bảo vệ môi trường. Đứng trước sức ép này, doanh nghiệp buộc phải cân nhắc thiệt hơn khi có ý định coi nhẹ các giải pháp bảo vệ môi trường. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc - UNEP xác định, mục đích cuối cùng của tiêu dùng bền vững là cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của cả người tiêu dùng thế hệ hiện nay và mai sau.

Rõ ràng, để hướng tới đích của sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý là không đủ mà quan trọng hơn là sự thống nhất của tất cả các thực thể tham gia nền kinh tế phải vào cuộc từ ý thức tới hành động. Điều này, đối với các doanh nghiệp nước ta vẫn còn khoảng cách rất lớn. Nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ nhưng không vận hành hoặc vận hành không hiệu quả. Đáng lên án nhất là một số doanh nghiệp nhẫn tâm ngày đêm lén lút xả thải hủy hoại môi trường che mắt các cơ quan chức năng.

Thực trạng trên đã dẫn đến việc phần lớn nước thải của các khu công nghiệp khi xả thải ra môi trường đều có các thông số ô nhiễm cao hơn nhiều lần so với quy chuẩn. Ước tính, có khoảng 70% trong số 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các khu công nghiệp xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận, không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường diện rộng.

Nhìn lại những sự cố môi trường đáng tiếc xảy ra, thiết nghĩ, rất cần các cuộc vận động ủng hộ cho những thương hiệu sạch và xanh. Người tiêu dùng kỳ vọng ở việc thực hiện nghiêm ngặt những chính sách kiểm soát và thưởng phạt nghiêm minh nơi các cơ quan quản lý nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe và môi trường sống. Có như vậy, họ mới sẵn lòng ủng hộ những chương trình “sạch”, đề cao tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng.

Đầu tư cho công nghệ xanh, thân thiện với môi trường có thể được xem là “khoản” tốn kém trước mắt, lợi ích dài lâu bởi các cơ hội nhận được từ sự quan tâm, ủng hộ và tín nhiệm của người tiêu dùng.

Điều này không thể chạy theo phong trào, phô trương, quảng bá mà phải được thực hiện và cam kết bằng chính trách nhiệm, cái tâm của doanh nghiệp đối với cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền năng của "thượng đế"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO