Đoàn kết là vũ khí tối tân, sắc bén nhất
Thực tế, thời gian qua, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa. Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các Bộ, ngành chức năng và nhân dân…Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn. Ảnh: VGP |
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của mỗi tập thể, cá nhân trong phòng, chống dịch. Mỗi người dân, các tầng lớp nhân dân, các giới... tùy khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức giúp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng...
Ghi nhận những tấm lòng cao quý đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, mỗi đồng tiền được đóng góp vào Quỹ vắc-xin không chỉ là sự đóng góp công sức, giá trị vật chất mà còn là sự sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm, đồng tâm hiệp lực của nhân dân với Ðảng, Nhà nước, Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Kết quả đó là một minh chứng sinh động cho thấy, đây thật sự là Quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch Covid-19. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân trong cả nước đều hoàn toàn tin tưởng và sẽ chung tay, góp sức cho chiến thắng đó.
Vì một cộng đồng khỏe mạnh trước đại dịch
Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến, Việt Nam sẽ mua 150 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người. Tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó, kinh phí mua vắc-xin khoảng 21.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối và tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức là 9.200 tỷ đồng. Đặc biệt, nhu cầu vắc-xin hàng năm tăng cao khi dịch kéo dài, kinh phí mua vắc-xin sẽ lớn. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.
Nhân viên y tế tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 được tiêm vắc-xin. |
Chính vì thế, việc ra đời Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 hoàn toàn phù hợp với tình hình cấp bách hiện nay, nhất là tiến độ tiếp cận mua và nhập khẩu vắc-xin đang được đẩy nhanh. Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 sẽ không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách mà còn đảm bảo duy trì sức bền cho cuộc chiến lâu dài với mục tiêu xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh trước đại dịch.
Theo báo cáo từ Ban Quản lý Quỹ vắc-xin, tính đến 17 giờ 6/6, các tổ chức và cá nhân tham gia đóng góp với tổng số tiền 1.299 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi ra VND) và 4.367,66 tỷ đồng nhà tài trợ đã cam kết nhưng chưa chuyển tiền (tổng số khoảng 5.666,66 tỷ đồng). Hiện tại, Quỹ đã mở 12 tài khoản cho 3 loại tiền VND, USD, EUR để tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân.
Thủ tướng khẳng định, đây là Quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng. “Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước, nên đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết.” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
|