Quy hoạch không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường tại làng nghề

Mai Đan | 16/01/2020 16:47

(TN&MT) - Mặt trái của sự phát triển là hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải. Trong khi đó, đa số làng nghề sản xuất với hình thức nhỏ lẻ, thiếu sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, cũng như thông tin thị trường… Nhằm giải quyết tình trạng này, việc quy hoạch không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp thu được hiệu quả đáng kể.

Hiện trạng làng nghề hiện nay

Hiện nay các làng nghề phân bổ rộng khắp cả nước nhưng không đồng đều. Số lượng làng nghề miền Bắc phát triển hơn, chiếm gần 70% số lượng các làng nghề trong cả nước (2.200 làng nghề), trong đó tập trung nhiều nhất và mạnh nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung có khoảng 200 làng nghề, còn lại ở miền Nam hơn 4000 làng nghề.

Theo các chuyên gia môi trường, nguyên, vật liệu cho các làng nghề chủ yếu được khai thác ở các địa phương trong nước và hầu hết các nguồn nguyên liệu vẫn lấy trực tiếp từ tự nhiên. Phần lớn công nghệ và kỹ thuật áp dụng cho sản xuất trong các làng nghề nông thôn còn lạc hậu tính cổ truyền vẫn chưa được chọn lọc và đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm còn thấp, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và giảm sức cạnh tranh.

Số lượng làng nghề miền Bắc phát triển hơn, chiếm gần 70% số lượng các làng nghề trong cả nước

Được biết, do hạn chế về công nghệ và kỹ thuật sản xuất nên các các làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu là lao động thủ công ở hầu hết các công đoạn, kể cả các công đoạn nặng nhọc và độc hại nhất. Nhiều sản phẩm đặc thù đòi hỏi trình độ kỹ thuật và tính mỹ thuật cao, tay nghề khéo léo… chủ yếu là các làng nghề truyền thống, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

TS. Dương Đình Giám - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp cho biết: Riêng về thị trường tiêu thụ sản phẩm thì trước đây về cơ bản thị trường này nhỏ hẹp tiêu thụ tại chỗ do đó giá thành cũng thấp. Nhưng hiện nay, thị trường xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam đã mở rộng sang khoảng hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hồng Công, Xingapo, thậm chí cả các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU…

Do đó giá trị sản lượng các làng nghề phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên làng nghề hiện nay đang tồn tại một số bất cập và phải có các chính sách phù hợp để phát triển, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Giải quyết vấn đề môi trường

Theo TS. Dương Đình Giám, bên cạnh những bất cập trên, mặt trái của sự phát triển là hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do cách thức tổ chức quản lý sản xuất của các làng nghề hiện nay chưa thật sự hiệu quả. Đa số làng nghề sản xuất với hình thức nhỏ lẻ, thiếu sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, cũng như thông tin thị trường…

TS. Dương Đình Giám cho rằng, để giải quyết tình trạng này thì việc quy hoạch không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp thu được hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay việc quy hoạch các làng nghề còn hạn chế về số lượng do thiếu sự đồng bộ, công tác quản lý còn chồng chéo, phân định chưa rõ ràng.

TS. Dương Đình Giám - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp

Theo TS. Dương Đình Giám, trước những khó khăn đó, đòi hỏi cần có những chính sách phát triển các làng nghề phù hợp sao cho tận dụng được những lợi thế của các địa phương trong quá trình phát triển, vượt qua những thử thách của hội nhập và đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, hiệu quả.

“Hiện nay, một mô hình quy hoạch khác đang được triển khai là: Chính quyền địa phương và các hộ sản xuất trong làng nghề cùng xem xét phương án quy hoạch đưa khu vực sản xuất làng nghề ra khỏi nơi sinh hoạt của gia đình. Địa phương sẽ quy hoạch khu đất riêng thuộc địa bàn của xã. Các hộ gia đình sẽ được cho thuê đất để chuyển hướng sản xuất ra ngoài. Hạ tầng cơ sở sẽ do địa phương và hộ nghề cùng góp vốn xây dựng. Mô hình này đã được thực hiện thành công ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, hiện một số địa phương vẫn gặp khó khăn về quỹ đất để bố trí mặt bằng cho việc di dời này” - TS. Dương Đình Giám nhấn mạnh.

Với mạng lưới phân bổ rộng khắp trong cả nước bao gồm trên 40.000 cơ sở sản xuất ở gần 3.000 làng nghề, trong đó trên 80% là các hộ cá thể, các làng nghề Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Bởi ngoài việc tăng thêm thu nhập cho người dân, các làng nghề còn giải quyết việc làm cho khoảng 20 triệu lao động, trong đó 30% số lao động có việc làm thường xuyên còn lại là lao động thời vụ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường tại làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO