Trong nước

Quy hoạch không gian biển là công cụ quan trọng để cụ thể hóa “Quy hoạch tổng thể quốc gia”

Khương Trung 06/10/2023 16:18

(TN&MT) - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị công tác tuyên truyền thời gian tới cần nhấn mạnh Quy hoạch không gian biển là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực; là quy hoạch đa ngành, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam…

Ngày 6/10, tại thành phố Hạ Long, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 10. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy dự và chủ trì hội nghị.

small_ttr-le-minh-ngan.jpg
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy (ảnh giữa) dự và chủ trì hội nghị. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân (ngoài cùng bên trái) tham dự và báo cáo về Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Nguyễn Quế Lâm, Phó trưởng ban Chuyên trách, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Đình Tĩnh, Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao cùng các đồng chí là Trưởng ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo các đơn vị của tỉnh Quảng Ninh.

small_vu-truong-que-lam.jpg
Đồng chí Nguyễn Quế Lâm, Phó trưởng ban Chuyên trách, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự Hội nghị.

Tại hội nghị các Báo cáo viên đã thông tin tình hình địa phương; chuyên đề quy hoạch không gian biển Việt Nam; kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển

Báo cáo tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân trình bày tóm tắt Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bài giới thiệu bao gồm 9 nội dung chính là: Vai trò, vị trí của Quy hoạch không gian biển quốc gia; Cách tiếp cận và phương pháp lập Quy hoạch không gian biển quốc gia; Cơ sở lập Quy hoạch không gian biển quốc gia; Phạm vi của Quy hoạch không gian biển quốc gia; Những vấn đề trọng tâm cần giải quyết; Quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn của Quy hoạch; Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và vùng ven biển, đảo; Phân vùng chức năng và phân vùng sử dụng không gian biển; Giải pháp để thực hiện Quy hoạch và danh mục dự án ưu tiên.

small_ttr-le-minh-ngan1.jpg
Thứ trưởng Lê Minh Ngân trình bày tóm tắt Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ trưởng Lê Minh Ngân thông tin, về Quy hoạch không gian biển quốc gia (QHKGBQG), đây là một trong ba quy hoạch quốc gia trình Quốc hội. QHKGBQG là quy hoạch đa ngành, mang tính tổng hợp, định hướng cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo theo hướng bền vững. Quy hoạch được lập theo cách tiếp cận phân bổ, sắp xếp không gian biển cho các ngành, lĩnh vực hoạt động. Quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, tạo ra một sự thống nhất hữu cơ trong hệ thống quy hoạch phát triển đất nước, giữa vùng đất liền, vùng biển và vùng trời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, góp phần giữ vững chủ quyền đất nước.

QHKGBQG đã áp dụng cách tiếp cận lập quy hoạch hệ thống và tổng hợp, liên ngành - liên vùng, dựa vào hệ sinh thái, cảnh quan, thích ứng, hướng đến nền kinh tế biển xanh, phát triển bền vững, đa tỷ lệ, từ dưới lên và trên xuống.

Quy hoạch nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách thực hiện quy hoạch: xây dựng và triển khai bộ tiêu chí quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển; xây dựng quy chế xử lý những vùng chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển; xây dựng và ban hành chính sách để phát triển mô hình kết hợp kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; ….

Quy hoạch thể hiện trên 04 quan điểm là Bảo đảm tầm nhìn dài hạn, tổng thể đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

small_dai-bieu-chup-anh-luu-niem.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm (từ phải sang trái): Đồng chí Nguyễn Quế Lâm, Phó trưởng ban Chuyên trách, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Vương Ngọc Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Hà Giang; Đồng chí Trần Thị Thanh Hương, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc Hội, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh An Giang; Đồng chí Lê Hữu Thọ, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Khánh Hòa.

Dựa trên nền tảng điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái biển, hải đảo, nhu cầu sử dụng của các ngành, lĩnh vực và địa phương có biển tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm phát triển bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát triển kinh tế - xã hội biển dựa vào phương thức quản lý tổng hợp và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, hải đảo, kết hợp sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm và sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý, khai thác, sử dụng không gian biển.

Duy trì chức năng, cấu trúc, khả năng chống chịu, sức chịu tải của các hệ sinh thái và các vùng, khu vực biển; bảo đảm khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu của các hệ sinh thái, môi trường biển cho đời sống con người và sự phát triển của các ngành kinh tế biển; giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển.

Quy hoạch hướng tới mục tiêu, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”

Thông tin tại Hội nghị đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, là một cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Trong 7 năm liên tiếp giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên hai con số; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, ước cả năm 2023 đạt 312.420 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững: Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,9%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 43,9%; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 5,2% trong cơ cấu kinh tế; Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động bình quân tăng từ 309 triệu đồng/người năm 2020 lên 458,5 triệu đồng/người năm 2023 (tăng hơn 1,5 lần)...

small_ct-cao-tuong-huy.jpg
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội nghị

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm; tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đầu tư công và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, bền vững... Thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; tập trung vốn cho các công trình động lực phát huy vai trò dẫn dắt, vốn mồi của nguồn lực nhà nước, huy động tối đa nguồn lực xã hội.

9 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 9 ước đạt 9,88%, đứng thứ 4 cả nước, đứng thứ 2 vùng đồng bằng Sông Hồng; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 10%, Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 53.062 tỷ đồng. Hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng của cả giai đoạn 2020 - 2025 về phát triển văn hoá - xã hội, con người gắn với nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển với tầm vóc mới

Về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden từ ngày 10 - 11/9/2023, Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao Lê Đình Tĩnh thông tin về tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai; Kết quả quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ 10 năm qua không ngừng được củng cố và mở rộng, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.

small_a-tinh.jpg
Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao Lê Đình Tĩnh

Chuyến thăm cũng thể hiện Việt Nam nhất quán coi trọng phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, phát huy kết quả hợp tác và tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển với tầm vóc mới, trên cơ sở các nguyên tắc căn bản của quan hệ hai nước, trong đó có nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia.

Bám sát định hướng thông tin, tuyên truyền của Trung ương

Kết luận Hội nghị và định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội; đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm sau:

small_ptruong-ban.jpg
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy kết luận Hội nghị.

Về Quy hoạch không gian biển Việt Nam, trên cơ sở các thông tin, dữ liệu đã được đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh cần tuyên truyền: Quy hoạch không gian biển có ý nghĩa quan trong đối với các quốc gia có biển; Quy hoạch không gian biển là công cụ quan trọng để cụ thể hóa “Quy hoạch tổng thể quốc gia”; Quy hoạch không gian biển có ý nghĩa là loại quy hoạch đa ngành, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam; Quy hoạch không gian biển mang tính tổng hợp, được lập theo cách tiếp cận không gian, nhằm phân bổ, sắp xếp không gian biển cho các ngành, lĩnh vực hoạt động, thông tin, dữ liệu đầu vào cho việc lập quy hoạch phức tạp, mang tính tổng hợp và đa ngành; Lập quy hoạch không gian biển có ý nghĩa nhằm hướng tới mục tiêu toàn bộ các vùng biển Việt Nam được quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững theo không gian, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh; phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, sức chống chịu, sức tải môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo và hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

small_dai-bieu.jpg
Các đại biểu địa phương tham dự Hội nghị.

Về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden từ ngày 10 - 11/9/2023, căn cứ thông tin do đồng chí Lê Đình Tĩnh, Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao cung cấp, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân kết quả chuyến thăm; trong đó nhấn mạnh: Kết quả quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ 10 năm qua không ngừng được củng cố và mở rộng, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới; Phát huy tương đồng, hướng tới tương lai; Hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững đã góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; Chuyến thăm cũng thể hiện Việt Nam nhất quán coi trọng phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, phát huy kết quả hợp tác và tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển với tầm vóc mới, trên cơ sở các nguyên tắc căn bản của quan hệ hai nước, trong đó có nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia…

2134371_quang_canh_hoi_nghi_13222406.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Ngoài ra, về tuyên truyền tình hình kinh tế- xã hội 9 tháng năm 2023, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị cần làm nổi bật đánh giá về bối cảnh thế giới, tình hình Việt Nam; sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc Hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thực hiện các mặt nhiệm vụ 9 tháng và giải pháp trọng tâm quý IV năm 2023. Đồng thời lưu ý một số nội dung trong tuyên truyền Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII; tuyên truyền Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV; tuyên truyền Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 và nhiều nội dung quan trọng khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch không gian biển là công cụ quan trọng để cụ thể hóa “Quy hoạch tổng thể quốc gia”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO