Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai là cơ sở, động lực để phát triển

Theo Chinhphu.vn | 17/09/2021 17:33

Sáng 17/9, tại trụ sở Chính phủ, Hội đồng thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng.

Đây là phiên họp đầu tiên của Hội đồng thẩm định sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập (ngày 29/8) - Ảnh VGP/Đức Tuân

Hội đồng thẩm định, được thành lập theo Quyết định 1443/QĐ-TTg ngày 29/8 của Thủ tướng, gồm 25 ủy viên, bao gồm 15 bộ, ngành; đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, một số Hội nghề nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại phiên họp, Hội đồng đã nghe, thảo luận về báo cáo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025); báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Hội đồng.

Theo báo cáo, Quy hoạch sử dụng đất có vai trò rất quan trọng, phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương có liên quan đến sử dụng đất, tạo tính liên kết liên vùng; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tôn trọng tự nhiên.

Quy hoạch - Kế hoạch sử dụng đất nhằm đề ra định hướng đưa đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Quy hoạch được triển khai theo phương pháp tiếp cận hai chiều (từ trên xuống, từ dưới lên) với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các đối tượng của quy hoạch sử dụng đất được đặt trong mối quan hệ tổng thể đa ngành, đa lĩnh vực cả nhiều yếu tố tác động đến sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu góp ý đối với quy hoạch sử dụng đất. Ảnh VGP/Đức Tuân

Quy hoạch bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về đất đai

Sau khi lắng nghe các ý kiến thành viên Hội đồng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). “Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất đai vừa là cơ sở, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Nếu chúng ta không có quy hoạch, kế hoạch bảo đảm chất lượng, có tầm nhìn, thì sẽ rất khó phát triển. Nếu không làm kỹ càng, bài bản, khoa học, không có tầm nhìn thì quy hoạch sử dụng đất không tạo được diện mạo, không gian phát triển cho mỗi ngành, mỗi địa phương cũng như cả nước”.

Do đó, yêu cầu đặt ra là Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất đai vừa phải có tính thực tiễn cao để phục vụ phát triển, vừa phải có tính khoa học, thận trọng để bảo đảm có được không gian, tầm nhìn phát triển, nhất là bám sát mục tiêu, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước.

Đánh giá công tác lập quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều nỗ lực, hoàn thiện khối lượng công việc lớn trong một thời gian ngắn. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo xây dựng Quy hoạch, kế hoạch một cách bài bản, khoa học, công phu để hoàn thiện dự thảo trình ra Hội đồng. Các ủy viên Hội đồng cũng đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong quá trình xây dựng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tổng kết việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2020, đánh giá mặt được, chưa được, phân tích nguyên nhân chủ yếu, đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng; đồng thời đúc rút những bài học kinh nghiệm trong lập quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai.

Trong quá trình xây dựng quy hoạch, cơ quan chủ trì bám sát nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây không phải công việc “một sớm một chiều” mà đã được chuẩn bị từ tháng 5/2020, khi Chính phủ có Nghị quyết 67/NQ-CP phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong quá trình chuẩn bị, nhiều hội nghị, hội thảo của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan Trung ương được tổ chức; đã lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia.

Trước khi tổ chức phiên họp hôm nay, hồ sơ quy hoạch đã được gửi tới các ủy viên Hội đồng thẩm định nghiên cứu, cho ý kiến. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu, hoàn thiện để báo cáo Hội đồng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Dù tăng trưởng cao thế nào nhưng cũng không được giảm diện tích rừng - Ảnh VGP/Đức Tuân

Phó Thủ tướng cho rằng, về cơ bản dự thảo Quy hoạch - Kế hoạch sử dụng đất đã đáp ứng 2 mục tiêu lớn là đã xác định được định hướng phân bổ không gian và chỉ tiêu sử dụng các nhóm đất lớn (nông nghiệp, đất rừng, đất phi nông nghiệp, …) từ đó tạo ra được quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; đồng thời bám sát chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về các định hướng chiến lược lớn trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch đã chú trọng việc bảo đảm quỹ đất cho phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, cho an ninh, quốc phòng; đồng thời vẫn bảo đảm thực hiện các định hướng lớn, các chỉ tiêu mà Đảng, Quốc hội đưa ra.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ, dự thảo đề xuất chỉ tiêu đến năm 2030 cả nước có 15,8 triệu ha đất phục vụ mục đích phát triển rừng, tương đương khoảng 48% tổng diện tính tự nhiên của cả nước. Đây là cơ sở để đạt mục tiêu độ che phủ rừng đến năm 2030 duy trì ở mức 42% như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra. Về chỉ tiêu quỹ đất chuyên trồng lúa đến năm 2030, theo dự thảo Quy hoạch là khoảng 3,57 triệu ha, cao hơn so với mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đặt ra (đến 2030 có 3,5 triệu ha đất lúa).

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng lưu ý về việc quy hoạch đất phục vụ phát triển các vùng, khu vực ven biển. Thực tế thời gian qua, khu vực ven biển đã trở thành động lực phát triển của nhiều địa phương. Trong đó, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các tuyến đường ven biển tạo ra tiềm năng phát triển rất lớn.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tiếp thu các ý kiến, tập trung hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai là cơ sở, động lực để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO