Tài nguyên

Quy định rõ quyền lợi người dân nơi khai thác khoáng sản

Lan Chi 26/04/2023 - 10:51

(TN&MT) - Những năm qua, các dự án khai thác khoáng sản đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, nơi có khoáng sản được khai thác. Trong đó, hoạt động khai khoáng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân khi nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến tuyển dụng người địa phương vào làm việc và giúp phát triển các dịch vụ hỗ trợ tại địa phương.

anh-2-mo-dong-sinh-quyen.jpg
Những năm qua, các dự án khai thác khoáng sản đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, nơi có khoáng sản được khai thác

Hoạt động khai khoáng thúc đẩy phát triển kinh tế

Mới đây, tại Đối thoại chính sách “Chi phí xã hội trong hoạt động khai thác mỏ” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức tại Hà Nội, Trung tâm đã dẫn chứng những số liệu tính toán từ Tổng điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê cho thấy những con số đáng chú ý về hoạt động khai khoáng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo đó, tính đến ngày 31/12/2019, Việt Nam có tổng cộng 3.804 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng. Xét theo lĩnh vực hoạt động, phần lớn các doanh nghiệp khai khoáng tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá với 1.935 doanh nghiệp (chiếm tỉ lệ 50,87%) và khai thác cát sỏi với 873 doanh nghiệp (chiếm tỉ lệ 22,95%). Các doanh nghiệp khai thác kim loại và khai thác than có số lượng lần lượt là 330 doanh nghiệp (chiếm 8,68%) và 181 doanh nghiệp (chiếm 4,76%).

Năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp toàn ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam đạt khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, phần lớn đến từ ngành khai thác than với gần 126,7 nghìn tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 62,6% doanh thu toàn ngành khai khoáng). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành khai thác đá đứng thứ hai với gần 37,5 nghìn tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 18,5% doanh thu toàn ngành khai khoáng), theo sau là các doanh nghiệp khai thác quặng kim loại với tổng doanh thu hơn 19 nghìn tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 9,4% doanh thu toàn ngành khai khoáng).

Cơ cấu doanh thu của từng lĩnh vực phân theo loại hình sở hữu có sự khác nhau theo. Ví dụ, với ngành khai thác than, gần 95% doanh thu đến từ doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, với ngành khai thác đá, chỉ 3,1% doanh thu đến từ doanh nghiệp nhà nước, hơn 95% doanh thu đến từ doanh nghiệp tư nhân.

Năm 2019, các doanh nghiệp ngành khai khoáng đóng góp khoảng 1.491,2 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp ngành khai thác than đóng góp 788,4 tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 52,9%), các doanh nghiệp ngành khai thác đá đóng góp 394,9 tỷ đồng (tương đương 26,5%)...

Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp ngành khai khoáng năm 2019 là gần 5.200 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp ngành khai thác đá có tổng lợi nhuận lớn nhất, xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Bình quân một doanh nghiệp ngành khai thác đá có lợi nhuận 11 tỷ đồng. Các doanh nghiệp ngành khai thác than có tổng lợi nhuận vào khoảng 1.860,5 tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp có lợi nhuận khoảng 5,64 tỷ đồng.

Thời gian qua, các dự án khai thác khoáng sản cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân khi nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến tuyển dụng người địa phương vào làm việc, bao gồm cả lao động nữ làm công việc như nấu cơm, bảo vệ. Hoạt động khai khoáng cũng giúp phát triển các dịch vụ hỗ trợ tại địa phương như mở quán tạp hóa bán đồ, mở quán ăn uống cho công nhân mỏ.

Số liệu tổng hợp từ báo cáo của 63 tỉnh/thành phố cho thấy, trong giai đoạn 2012-2020, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ cho địa phương số tiền hơn 126 tỷ đồng, với gần 1,1 triệu lao động sử dụng trong hoạt động khai thác.

Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản

Bên cạnh việc hỗ trợ nền kinh tế địa phương, hoạt động khai thác khoáng sản đã thu hút nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực này. PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho biết, theo kết quả tính toán của nhóm nghiên cứu từ số liệu điều tra lao động việc làm năm 2018, cả nước có khoảng 173 nghìn lao động làm việc trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản.

Số lao động này phân bổ trên cả nước nhưng tập trung nhiều nhất tại Quảng Ninh (gần 52 nghìn lao động, chủ yếu trong ngành than), Nghệ An (gần 13 nghìn lao động chủ yếu khai thác đá, cát, sỏi) và Thái Nguyên (hơn 12.500 lao động chủ yếu khai thác quặng kim loại). Phần lớn lao động làm việc trong khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, so với năm 2011, tổng số lao động làm việc trong ngành khai thác khoáng sản trên cả nước đã giảm hơn 90 nghìn người. Sự sụt giảm về lao động với số lượng lớn như vậy đặt ra bài toán về vấn đề giải quyết, chuyển đổi việc làm đối với những lao động không còn làm việc trong ngành khai khoáng. Giải quyết vấn đề này là việc làm hết sức cấp thiết trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đã nhấn mạnh yêu cầu: Rà soát, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản.

Điều 5 của Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, tuy nhiên Điều này chưa quy định rõ việc tái đầu tư nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật nhằm an sinh xã hội cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

Điều này cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo công ăn việc làm… đối với địa phương và người dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Để tháo gỡ những bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành nói chung, cũng như đảm bảo quyền lợi của địa phương và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác nói riêng, Bộ TN&MT đã đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết hơn trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Cụ thể, những quy định này liên quan đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, đặc biệt, khai thác khoáng sản cần song hành với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định rõ quyền lợi người dân nơi khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO