Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:
Đúng như bạn đã biết, tại Điều 6 Luật Tài nguyên nước năm 2012 có quy định về việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng trong khai thác tài nguyên nước đối với các dự án có ảnh lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Quy định này vừa được Chính phủ hướng dẫn cụ thể tại Điều 2, Nghị định số 02/2023/NĐ-CP và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/3/2023.
Theo đó, các dự án có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải lấy ý kiến bao gồm: Hồ chứa, đập dâng xây dựng trên sông, suối thuộc trường hợp phải xin phép; Công trình khai thác, sử dụng nước mặt không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này với lưu lượng từ 10 m3/giây trở lên; Công trình chuyển nước giữa các nguồn nước; Công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất (gồm một hoặc nhiều giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác nước dưới đất thuộc sở hữu của một tổ chức, cá nhân và có khoảng cách liền kề giữa chúng không lớn hơn 1.000 m) có lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên.
Trong thông tin cung cấp để tổ chức lấy ý kiến, chủ đầu tư phải phải thuyết minh và thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu khả thi) kèm theo tờ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án. Đồng thời, phải thể hiện rõ kế hoạch triển khai xây dựng công trình và tiến độ xây dựng công trình.
Bên cạnh đó, những thông tin liên quan đến dự kiến tác động của việc khai thác, sử dụng nước và vận hành công trình đến nguồn nước, môi trường và các đối tượng khai thác, sử dụng nước khác có khả năng bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng, vận hành công trình, thời gian công trình không vận hành; Các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, đảm bảo nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước khác có khả năng bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng, vận hành công trình, thời gian công trình không vận hành cũng phải làm rõ trong quá trình lấy ý kiến.
Trình tự lấy ý kiến
Theo quy định mới, chủ đầu tư sẽ gửi các tài liệu, nội dung liên quan đến UBND cấp huyện hoặc tỉnh và Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng cấp.
Trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là UBND huyện, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ đầu tư, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có trách nhiệm giúp UBND tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để cho ý kiến về công trình dự kiến xây dựng hoặc đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư; tổng hợp ý kiến trình UBND huyện gửi cho chủ đầu tư.
Trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là UBND tỉnh, trong thời hạn 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp hoặc đối thoại trực tiếp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để cho ý kiến về công trình dự kiến xây dựng; tổng hợp ý kiến trình UBND tỉnh gửi cho chủ đầu tư;
Bên cạnh đó, chủ đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý. Văn bản góp ý và tổng hợp tiếp thu, giải trình là thành phần của hồ sơ dự án khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và phải được gửi kèm theo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.