Sáng 29/6, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022.
Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2022, đặc biệt là quý II/2022 đã có những khởi sáng rõ nét. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid – 19 (năm 2019). Nhiều lĩnh vực đã có bứt phá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của kinh tế thành phố.
Quý II/2022, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Đà Nẵng tăng tới 12,37% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 21,37% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn mức tăng 1,96% của quý I/2022. Với kết quả này, Đà Nẵng là một trong số các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, kinh tế thành phố đã hoàn toàn lấy lại đà tăng trưởng ngày trong quý II năm 2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GRDP ước tăng 7,23% so với cùng kỳ 2021; tăng 12,36% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, so với 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid – 19, GRDP 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 7,92%.
Ngoài ra, quỹ đạo phục hồi kinh tế của thành phố đang bước vào giai đoạn bứt tốc. Với mức tăng trường 7,23%, 6 tháng đầu năm 2022 Đà Nẵng xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng trưởng GRDP và xếp thứ 4 trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy mô nền kinh tế thành phố 6 tháng đầu năm ước đạt 57.792 tỷ đồng (theo giá hiện hành), mở rộng hơn 5.077 tỷ đồng so với năm 2021. So với cùng kỳ năm 2019, quy mô toàn nền kinh tế thành phố đã tăng gần 6.490 tỷ đồng.
Về cơ cấu kinh tế, khu vực thương mại – dịch vụ chiếm tỷ trọng 67,44%; công nghiệp – xây dựng chiếm 19,9%; khu vực thủy sản chiếm 2,16%; khu vực thuế sản phẩm chiếm 10,5%.
Một số kết quả nổi bật khác của kinh tế Đà Nẵng có thể nhắc đến như tổng số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,1%. Có 1.620 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch Covid – 19 đã quay trở lại hoạt động, tăng 48,2% so với cùng kỳ 2021. Thu ngân sách 6 tháng đạt 12.965 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát khá tốt với mức tăng bình quân 1,91% so với cùng kỳ 2021. Tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm từ 7,27% tại thời điểm tháng 6 năm 2021 xuống chỉ còn 2,11% tại tháng 6/2022.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố cho biết, với sự chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ năm 2022 trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế thành phố dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thời kỳ trước khi dịch bệnh xảy ra.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội thành phố vẫn còn một số hạn chế như như tăng trưởng kinh tế đạt khá nhưng không đều, tăng trưởng tập trung ở khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù được phục hồi nhưng mức độ còn khá chậm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn về giá nguyên nhiên vật liệu, giá xăng dầu tăng, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất san lấp mặt bằng.... Thu hút FDI không đạt như kỳ vọng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn.