Đặt nền móng cho nguồn tài chính xanh
Ngày 26/6/2002, VEPF được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 82/QĐ-TTg với số vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Đây là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận với nhiệm vụ hỗ trợ, tài trợ và áp dụng cho vay ưu đãi với lãi suất thấp và cố định, thời gian vay dài hạn nhằm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Tháng 7/2003, VEPF chính thức đi vào hoạt động, có chức năng thu hút và huy động các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) trên phạm vi toàn quốc. Thời gian đầu, VEPF hoạt động vô cùng khó khăn do chưa có kinh phí hoạt động, điều kiện làm việc và trang thiết bị thiếu thốn. Sau đó, VEPF từng bước được bổ sung cán bộ, củng cố tổ chức và phối hợp xây dựng hành lang pháp lý, tiếp nhận đủ nguồn vốn điều lệ và hoàn thiện cơ bản quy trình nghiệp vụ.
Đến năm 2008, VEPF được tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng và được trao thêm nhiều nhiệm vụ mới. Đó là quản lý dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM); thu và sử dụng lệ phí chứng chỉ giảm thiểu khí nhà kính; ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; tham gia điều phối, quản lý tài chính một số chương trình, dự án BVMT trọng điểm.
Phát triển và trưởng thành
Sau hơn 10 năm hoạt động, ngày 26/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 78/2014/QĐ-TTg quy định lại tổ chức và hoạt động của Quỹ BVMT Việt Nam. Theo đó, tăng gấp đôi nguồn vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng và bổ sung một số nhiệm vụ mới, trong đó có việc hỗ trợ tài chính cho hoạt động ứng phó với BĐKH. Hiện nay, VEPF được Bộ TN&MT giao xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg để phù hợp hơn với giai đoạn phát triển mới. Trong đó có điều chỉnh theo hướng rất quan trọng là tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỷ đồng.
Với tiêu chí hoạt động “không vì mục đích lợi nhuận”, suốt 20 năm qua, VEPF đã thực sự trở thành người bạn đường tin cậy của các đơn vị trong và ngoài nước trong công cuộc giữ gìn, cải thiện môi trường và xanh hóa đất nước. Với mức lãi suất ưu đãi cố định trong suốt thời gian vay từ 2,6 % - 3,6%, thời hạn vay lên đến 10 năm, ân hạn đến 2 năm, đến nay, VEPF đã cho vay 357 dự án môi trường. Tổng số tiền ký kết hơn 3.600 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 2.754 tỷ đồng và thu hồi nợ gốc gần 1.860 tỷ đồng.
Ngoài ra, VEPF còn hỗ trợ, tài trợ khẩn cấp, đột xuất để khắc phục, cải thiện môi trường, ô nhiễm sau thiên tai với số tiền gần 107 tỷ đồng. Không chỉ “trao đi”, VEPF còn là nơi “nhận lại”. Nhiều năm qua, VEPF là địa chỉ tin cậy để doanh nghiệp (DN) thực hiện ký Quỹ phục hồi môi trường với hơn 247 tỷ đồng từ 364 dự án. Công tác quản lý các dự án CDM cũng được chú trọng, tổng thu lệ phí bán/chuyển chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận là 16,5 tỷ đồng, hơn 1,2 triệu Euro và hơn 7 nghìn USD; giải ngân hơn 154 tỷ đồng trợ giá điện gió nối lưới; tiếp nhận tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải theo kê khai là 373,6 tỷ đồng…
Công tác hợp tác và phát triển cũng có bước tiến mới, ngoài việc hợp tác với hầu hết các tổ chức tài chính, môi trường, BĐKH lớn trên thế giới, VEPF còn làm tốt vai trò đầu mối của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tại Việt Nam. Đến tháng 12/2021, Văn phòng GEF Việt Nam đã vận động tài trợ thành công cho 16 dự án từ nguồn GEF với tổng kinh phí đạt 83,8 triệu USD, tăng 185% so với chu kỳ trước, tổng kinh phí tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam đạt 54 triệu USD (tương đương 1.250 tỷ đồng), tăng gấp hơn 2 lần so với chu kỳ trước. Tháng 2/2022, Giám đốc VEPF, kiêm Đầu mối tác nghiệp GEF Việt Nam được nhóm cử tri khu vực Đông Á của GEF (gồm 8 quốc gia: Campuchia, Lào, Bắc Triều Tiên, Myanmar, Malaysia, Mông Cổ, Thái Lan và Việt Nam) bầu làm đại diện cho khu vực. Đồng thời, được bầu là Ủy viên Hội đồng GEF toàn cầu nhiệm kỳ 2022 - 2024 và đã được chính thức công nhận. Đây là cơ hội để thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong tư cách thành viên của GEF toàn cầu.
Công tác tài chính, kế toán được quan tâm và chú trọng, VEPF luôn chỉ đạo và quản lý nguồn vốn đảm bảo cung ứng đúng, đủ, kịp thời một cách an toàn và hiệu quả. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ chính sách pháp luật và rà soát hồ sơ của các phòng nghiệp vụ, giúp ngăn ngừa sai sót, hạn chế rủi ro trong hoạt động quản lý. Văn phòng đại diện của VEPF tại TP. HCM hoạt động ngày càng hiệu quả, tích cực; tiếp xúc, tư vấn cho các DN có nhu cầu vay vốn ưu đãi để thu gom, xử lý chất thải, xây dựng dự án điện mặt trời áp mái... và tìm hiểu, kết nối với các Quỹ BVMT địa phương tại khu vực phía Nam.
Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ, VEPF còn quan tâm, chăm lo đến đời sống của viên chức và người lao động. Lãnh đạo VEPF thường xuyên trao đổi, phối hợp với các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh... tổ chức tốt các phong trào thi đua, khen thưởng, xây dựng tập thể cơ quan đoàn kết, phát triển.
Chặng đường 20 năm của VEPF cũng được khẳng định bởi hàng loạt thành tích, bằng khen, danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT và liên tục nhiều năm liền nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đánh giá: Trong 20 năm qua, Quỹ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng giao. Quỹ cho vay ưu đãi gần 400 dự án, góp phần tích cực hỗ trợ công tác BVMT, giảm thiểu ô nhiễm; tài trợ hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục ô nhiễm môi trường sau thiên tai như: bão, lũ lụt, xâm nhập mặn, góp phần giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, giảm bớt khó khăn cho đồng bào tại các địa phương xảy ra thiên tai.
Ngoài ra, Quỹ còn tiếp nhận tiền ký quỹ giúp bảo đảm việc thực hiện các đề án cải tạo, phục hồi môi trường sau khi khai khác khoáng sản. Đồng thời, Quỹ còn thực hiện tốt công tác tham mưu, tích cực huy động vốn tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ Quỹ BVMT toàn cầu trong việc thực hiện các hoạt động BVMT, đa dạng sinh học cho Việt Nam.
Đặc biệt, không những bảo toàn được vốn điều lệ, mà Quỹ còn tích lũy được gần 500 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển. Hiệu quả hoạt động của Quỹ là rõ rệt, thu luôn lớn hơn chi, nợ xấu luôn được kiểm soát theo đúng quy định và quan trọng là, Quỹ đã có chỗ đứng và lòng tin trong sự nghiệp BVMT của đất nước.
Góp phần “xanh hóa” đất nước
Theo ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc VEPF: “Hoạt động cho vay của Quỹ chỉ thực sự hiệu quả khi vốn của Quỹ nằm hết trong các dự án, công trình BVMT, chống BĐKH”. Bởi vậy, nhờ có nguồn vốn từ VEPF, các dự án xanh đã bao phủ khắp mọi miền Tổ quốc.
Công ty TNHH Phát triển thương mại và sản xuất Đại Thắng đầu tư xây dựng Nhà máy tái chế, xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại tại KCN Nam Cầu Kiền và đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2012. Tuy nhiên, sau đó Công ty vấp phải một số bất cập về môi trường chưa giải quyết được triệt để. Đến năm 2018, được sự hỗ trợ của VEPF, Công ty Đại Thắng đã đầu tư đổi mới hoàn toàn công nghệ xử lý chất thải công nghiệp. Với gần 20 tỷ đồng được vay từ VEPF, doanh nghiệp này đầu tư lò đốt chất thải công nghiệp hiện đại, hoàn toàn không phát tán bụi, khí thải đen ra môi trường. Theo ông Đoàn Ngọc Hùng - TGĐ Công ty, hồ sơ thủ tục để tiếp cận được nguồn vốn của VEPF không có gì trở ngại, thời gian giải ngân nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN an tâm đầu tư, hoạt động hiệu quả. Ông cũng mong muốn được VEPF tiếp tục hỗ trợ cho vay thêm khoảng 30 tỷ đồng để đầu tư thêm một lò đốt chất thải công nghiệp hiện đại nữa.
Công ty TNHH Thiên Phú (Ninh Bình) - chuyên đầu tư, xây dựng các cụm công nghiệp xanh, đồng bộ, hiện đại, không theo lối mòn “có kinh tế mới làm môi trường”, Công ty này đã tiên phong trong việc khẳng định “làm tốt công tác BVMT sẽ đạt hiệu quả kinh tế”. Bằng chứng là Công ty đã quyết tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải tiên tiến theo chuẩn châu Âu tại cụm công nghiệp Gia Vân, trong đó có sự hỗ trợ của “bà đỡ tài chính” là VEPF. Và đó chính là điểm cộng để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan nhanh chóng lấp đầy khu công nghiệp này. Tiếp nối thành công đó, Công ty tiếp tục vay VEPF để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Văn Phong với công nghệ tiên tiến. Ông Đặng Đức Hiệp - Tổng Giám đốc cho biết: “Tôi đã nghiên cứu và tiếp cận các nguồn vốn, trong đó nguồn vốn đặc biệt có tính chất hỗ trợ từ VEPF. Đây là nguồn vốn “mồi” có ý nghĩa động viên, khích lệ lớn đối với DN khi quyết định đầu tư các công trình BVMT, tiếp thêm sức mạnh để DN mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực BVMT và đạt được thành công. Tôi đã sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn này, được các nhà đầu tư đánh giá rất cao ý thức BVMT từ 2 nhà máy xử lý nước thải và lợi ích kinh tế đạt tới 200%”.
Công ty cổ phần Mặt trời đỏ Bình Thuận cũng là một đơn vị được VEPF tiếp sức trên con đường phát triển nguồn năng lượng xanh từ mặt trời. Dự án của Công ty là điện mặt trời mặt đất với quy mô là 18MW, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng. Công ty đã được VEPF hỗ trợ 35 tỷ, với lãi suất 2,6%/năm, rất thấp so với lãi suất của ngân hàng. Công ty cũng được các cán bộ của VEPF hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục, dựa trên tiêu chí là dự án phải đúng mục đích BVMT. Nguồn vốn của VEPF đã đến với Công ty rất kịp thời với lãi suất thấp giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả dự án. Và điều quan trọng hơn mà Lãnh đạo Công ty tâm huyết là khi vay được vốn từ VEPF, chứng tỏ dự án của Công ty đạt tiêu chí về BVMT. Đó cũng là động lực để Công ty quyết tâm thực hiện nhiều hơn các dự án BVMT.
Tương lai: nhiều cơ hội nhưng đầy thách thức
Với nền tảng vững vàng của 20 năm qua, VEPF đang tự tin bước tới con đường phía trước với nhiều cơ hội đi kèm với thử thách mới. Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc VEPF khẳng định: “Tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh đã và đang gia tăng sức ép đối với công cuộc BVMT. Các dự án, công trình BVMT thì thường có lợi nhuận thấp, nếu vay vốn với lãi suất thương mại thì khó có thể thực hiện thành công. Do đó, việc huy động, tạo nguồn tài chính có lãi suất thấp, ổn định và dài hạn cho các công trình BVMT, chống BĐKH là một nhu cầu cấp thiết. Đặc biệt, trong thời gian tới khi vốn điều lệ tối thiểu tăng lên 3.000 tỷ đồng, Quỹ sẽ đứng trước cơ hội mở rộng quy mô hoạt động.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với Quỹ vì một mặt cần đẩy mạnh doanh số cho vay, mặt khác phải giảm nợ xấu và bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích. Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường còn quy định một số nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ để xử lý chất thải và tái chế. Và đó là nhiệm vụ mới cũng là thách thức mới, của Quỹ trong thời gian sắp tới”.
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản lý VEPF, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cũng yêu cầu: Trong thời gian tới, cần xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động của Quỹ, trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận chuyên môn, hoàn thiện các quy trình quản lý nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu mở rộng, phát triển của Quỹ. Chuẩn bị sẵn phương án, nhân lực để thực hiện chuyển đổi mô hình sang Công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn nhà nước. Luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu quản lý. Đẩy mạnh hoạt động cho vay ưu đãi như là một công cụ giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Trước mắt, ưu tiên các dự án phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường; ưu tiên các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, thực hiện tốt các nhiệm vụ mới về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) hay trồng cây xanh.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, cần có sự phối hợp xuyên suốt, hiệu quả giữa Quỹ với các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường của Bộ TN&MT cũng như các bộ, ngành, địa phương và các Quỹ BVMT cấp tỉnh. Mở rộng hợp tác quốc tế để thu hút nguồn tài chính của các tổ chức quốc tế cho công cuộc BVMT, ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.