Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng

Khương Trung | 23/05/2020 20:50

(TN&MT) - Chiều 23/5, Quốc hội xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này.

Ông Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị sửa đổi Luật Xây dựng phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch… và các dự án Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan nỗ lực rà soát các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo.

Dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phù hợp với Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị với Luật Nhà ở…

Có ý kiến ĐBQH đề nghị cấp phép xây dựng ở nông thôn cần quản lý chặt chẽ hơn. Đề nghị miễn giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực miền núi, hải đảo.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép cho công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển đất nước. Theo đó, dự thảo Luật quy định không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu nhất trí với thẩm quyền cấp phép xây dựng do UBND tỉnh và UBND huyện. Song đề nghị, cần bổ sung thẩm quyền UBND cấp tỉnh đối với những công trình cấp huyện nhưng nằm trên địa bàn 2 huyện vì đã xảy ra những tình huống khá lúng túng không xác định được thẩm quyền thuộc UBND huyện nào cấp phép.

Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng cần xác định vai trò, chức năng, nội dung đối với các điều chỉnh luật theo hướng giới hạn và tập trung vào công tác xây dựng nhằm mục đích xác định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan đến việc xây dựng công trình một cách có hiệu quả, bền vững.

Theo đại biểu, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý, giải phóng mặt bằng, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản. Đối với những nội dung đã được kiểm chứng qua thực tiễn và phù hợp với quy định thì bổ sung vào luật, những nội dung chưa được áp dụng và còn bất cập trong thực tiễn thì nếu nâng lên thành luật sẽ gây khó khăn và không đảm bảo tính khả thi.

Thực tế, dự thảo Luật Xây dựng đã đưa ra nhiều nội dung của các Nghị định của Chính phủ về quản lý xây dựng, đầu tư xây dựng công trình, quản lý kinh phí xây dựng, quản lý cấp phép xây dựng, chất lượng công trình... đã triển khai nhưng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc chưa phù hợp với thực tiễn. Các đại biểu cho rằng những nội dung này cần được rà soát, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp trong dự thảo luật.

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu), trước sự phát triển nhanh chóng về đời sống xã hội trong nước và tác động từ việc hội nhập quốc tế thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng nhằm phù hợp với thực tiễn đầu tư, xây dựng là hết sức cần thiết.

Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng về quy mô, giới hạn công trình nhà ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị thì không cần giấy phép theo quy định cũ là hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, trong những năm qua lợi dụng việc này, một số tổ chức, cá nhân ở nhiều địa phương đã xây dựng tràn lan nhiều công trình có diện tích, quy mô lớn gây khó khăn trong công tác quản lý.

Đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị Ban soạn thảo cần quy định giới hạn, quy mô xây dựng công trình ở những khu vực này.

Nhiều đại biểu đề nghị miễn giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực miền núi, hải đảo nhưng cần phải quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép xây dựng ở nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân những cũng cần siết chặt việc quản lý xây dựng theo đúng quy định của pháp luật...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Giải trình tại phiên thảo luận trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, những ý kiến về đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật giữa Luật Xây dựng và một số luật khác là rất đúng. Bộ Xây dựng đã có rà soát, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những mâu thuẫn, chưa đồng bộ để xin ý kiến chỉ đạo và đề nghi sửa một số nội dung trên tinh thần tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.../.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO