Theo đó, Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 các dự án, dự thảo, gồm Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn đều cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười. Ngoài ra, còn bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc (cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười theo quy trình tại một kỳ họp); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Đồng thời, điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV (tháng 10.2020) sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV (tháng 1.2021).
Đại biểu quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Ảnh: Quốc Khánh |
Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, tại Kỳ họp thứ Mười một sẽ trình Quốc hội khóa XIV thông qua 4 dự án luật, gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và không trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật nào.
Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV không trình Quốc hội thông qua dự án luật nào, mà chỉ trình Quốc hội cho ý kiến 6 dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Nội dung Nghị quyết nêu rõ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội quyết định, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong công tác xây dựng pháp luật. Không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không bảo đảm chất lượng và tiến độ; kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc không hoàn thành nhiệm vụ soạn thảo được giao, phải lùi, rút dự án, dự thảo ra khỏi Chương trình để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời có giải pháp kiên quyết xử lý để tiến tới chấm dứt tình trạng này.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần đề cao trách nhiệm, chủ động, tích cực trong việc tham gia thẩm tra về những nội dung của dự án, dự thảo có liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách, góp phần nâng cao chất lượng của văn bản. Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì thẩm tra với cơ quan tham gia thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan soạn thảo, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.
Đồng thời, theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị các dự án, dự thảo thuộc lĩnh vực phụ trách và giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản đó sau khi được thông qua. Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri, nhất là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; tổ chức thảo luận, tham gia ý kiến góp phần hoàn thiện dự án, dự thảo…