Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 26/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), với 407/451 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 84,97% tổng số đại biểu Quốc hội.
Phân bón sẽ chịu thuế suất 5%
Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm 11 điều, quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ và phương pháp tính thuế, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng.
Về người nộp thuế, bên cạnh các đối tượng nộp thuế hiện hành, Luật này bổ sung tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam; tổ chức sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam.
Cùng với đó, người nộp thuế sẽ có: nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (sau đây gọi là nhà cung cấp nước ngoài); tổ chức là nhà quản lý nền tảng số nước ngoài thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài; tổ chức kinh doanh tại Việt Nam áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng là phương pháp khấu trừ thuế mua dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử hoặc các nền tảng số thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài.
Tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số cũng là người nộp thuế theo quy định của Luật này.
Mức thuế suất 5% áp dụng đối với những hàng hóa, dịch vụ sau đây: nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt không bao gồm các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác; phân bón, quặng để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi theo quy định của pháp luật; dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; sản phẩm cây trồng, rừng trồng (trừ gỗ, măng), chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường; giấy in báo…
Đồng thời, theo quy định tại khoản 25, Điều 5 của Luật này, hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở xuống; tài sản của tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng bán ra; hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra; các khoản thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025. Quy định về mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế tại khoản 25 Điều 5 Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2026.
Bảo đảm mức tăng hợp lý của ngưỡng doanh thu không chịu thuế
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về mức thuế suất (Điều 9), nhiều ý kiến thống nhất với đề xuất áp thuế suất 5% đối với phân bón.
Một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành; có ý kiến đề nghị áp dụng thuế suất 0% hoặc 1%, 2%. Có ý kiến đề nghị đánh giá toàn diện tác động của quy định này đối với nông dân và sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Có ý kiến lo ngại về khả năng doanh nghiệp trục lợi chính sách, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến nông dân.
Đối với ý kiến đề xuất đưa phân bón vào diện áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0% (hoặc 1%, 2%), Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: nếu quy định phân bón áp dụng thuế suất 0% sẽ bảo đảm lợi ích cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu vì đều sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đã nộp và không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, hàng năm Nhà nước sẽ phải bỏ ra ngân sách để hoàn thuế cho các doanh nghiệp. Ngoài yếu tố bất cập đối với ngân sách nhà nước, việc áp dụng thuế suất 0% đối với phân bón là trái với với nguyên tắc, thông lệ của thuế giá trị gia tăng là thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, không áp dụng với tiêu dùng trong nước. Việc áp dụng theo hướng này sẽ phá vỡ tính trung lập của chính sách thuế, tạo tiền lệ xấu và không công bằng với các ngành sản xuất khác.
Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc quy định thêm mức thuế suất 2% sẽ phải kết cấu lại Luật Thuế giá trị gia tăng như thiết kế khoản riêng về mức thuế suất, bổ sung quy định hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp này. Việc quy định thuế suất 1% hoặc 2% đối với phân bón cũng không phù hợp với mục tiêu cải cách thuế giá trị gia tăng là giảm bớt số lượng các mức thuế suất, không gia tăng số lượng các mức thuế suất so với quy định hiện hành như đã được giải trình với các ĐBQH.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Báo cáo số 1035/BC-UBTVQH15 ngày 28.10.2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, báo cáo về tác động đối với việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%. Chính phủ cũng đã có công văn số 692/CP-PL bổ sung giải trình và cung cấp số liệu minh chứng cụ thể.
Để thể hiện đúng quan điểm của Quốc hội trong việc xử lý vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 2 phương án, một là áp thuế suất 5%, hai là giữ nguyên như quy định hiện hành.
Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, có 72,67% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến tán thành với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ theo hướng quy định thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản. Do vậy, nội dung này được thể hiện tại khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật.
Về ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành đang quy định mức doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng là 100 triệu đồng/năm.
Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 2.630 tỷ đồng; nếu mức doanh thu không chịu thuế là 300 triệu đồng/năm thì số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 6.383 tỷ đồng.
Do đó, để bảo đảm mức tăng hợp lý của ngưỡng doanh thu không chịu thuế, tương đối phù hợp với tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay, dự thảo Luật quy định mức ngưỡng doanh thu 200 triệu đồng/năm như đã thể hiện trong dự thảo Luật.