Quốc hội thông qua  Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) với tỷ lệ 94,58%

Khương Trung (Lược ghi)| 30/03/2021 19:53

(TN&MT) - Thực hiện phiên họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, chiều 30/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Tại phiên họp, 94,58% đại biểu tham gia đã biểu quyết thông dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), chiếm tỷ lệ 94,58%.

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết

Trước đó, Quốc hội nghe giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Đề cập nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: Ngày 24/3/2021, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) trên cơ sở Báo cáo số 774/BC-UBTVQH14 ngày 23/3/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Có 10 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến về dự thảo Luật. Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với nội dung Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật, đồng thời đóng góp một số nội dung cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật.

Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức làm việc với Thường trực Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại diện các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, cũng như rà soát về kỹ thuật để hoàn thiện dự thảo.

Kết quả Quốc hội biểu quyết thông dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Những quy định chung:

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy là một nội dung trong khái niệm “phòng, chống ma túy” như đã được giải thích tại khoản 7 Điều 2 của dự thảo Luật.

Do vậy, quy định tại Điều 1 đã bao quát phạm vi điều chỉnh của Luật, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật. Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung từ “trái phép” vào khoản 12 Điều 2 giải thích khái niệm “người nghiện ma túy” để phù hợp với khoản 13 của Điều 2 (giải thích khái niệm “cai nghiện ma túy”) và khoản 1 Điều 27 (Xác định tình trạng nghiện ma túy).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khoản 10 Điều 2 của dự thảo Luật đã giải thích rõ khái niệm “người sử dụng trái phép chất ma túy”, còn “người sử dụng ma túy” trong khái niệm “người nghiện ma túy” ở khoản 12 có nội hàm rộng hơn, phổ quát hơn, bao gồm cả người sử dụng thuốc có chứa chất ma túy, chất hướng thần hoặc tiền chất theo chỉ định, kê đơn của bác sỹ để điều trị bệnh, chăm sóc giảm nhẹ và khi khỏi bệnh mà bị nghiện (lệ thuộc vào thuốc) thì vẫn áp dụng các quy định có liên quan của luật này. Trên thực tế, những người này là người bệnh và việc họ sử dụng thuốc là hợp pháp theo quy trình chuyên môn chặt chẽ nên không thể coi là sử dụng trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên, khi họ lệ thuộc vào thuốc và sử dụng chất ma túy mà không còn được sự cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thì họ trở thành người nghiện ma túy do sử dụng trái phép chất ma túy và phải thực hiện cai nghiện ma túy. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 27 của dự thảo Luật đã bao quát các trường hợp xác định tình trạng nghiện ma túy bao gồm cả người sử dụng trái phép chất ma túy và người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy nên vẫn bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật. Như vậy, quy định tại khoản 12 Điều 2 không trái với khoản 13 điều này và phù hợp với khoản 1 Điều 27. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội được giữ quy định tại khoản 12 Điều 2 như dự thảo Luật.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chính sách quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy tại khoản 6 Điều 3. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng thể hiện nguyên tắc quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma tuý và người nghiện ma tuý. Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung tại Điều 3 quy định chính sách hỗ trợ kinh phí cho cá nhân, tổ chức thành lập các cơ sở cai nghiện. Về vấn đề này, khoản 8 Điều 3 dự thảo Luật đã có quy định về một số chính sách ưu đãi của Nhà nước về phòng, chống ma túy, trong đó có quy định chung đối với tổ chức, cá nhân khi đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ quản lý sau cai nghiện ma túy, phòng chống tái nghiện ma túy “được miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”, còn các chính sách ưu đãi cụ thể được quy định tại các luật chuyên ngành về đất đai, thuế... để  bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh trùng lặp. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

Về trách nhiệm phòng, chống ma túy:

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của người đã từng bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy hoặc bị phát hiện là người nghiện ma túy; trách nhiệm của chủ thể kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh nhà hàng, dịch vụ, karaoke, khách sạn...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung Chương II của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống ma túy đã bao gồm người đã từng sử dụng trái phép chất ma tuý, người đã từng nghiện ma tuý và các chủ thể kinh doanh trong đó có kinh doanh nhà hàng, dịch vụ, karaoke, khách sạn....

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của người lần đầu sử dụng chất ma túy, người tái sử dụng chất ma túy, người nghiện ma túy tại Chương IV và Chương V tương ứng ở từng biện pháp quản lý bị áp dụng. Do đó, xin phép Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

Về nội dung Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy:

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Dược, nếu có quy định thì chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc dẫn chiếu sang Luật Dược; có ý kiến đại biểu đề nghị giữ quy định giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm soát thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất tại Điều 16 của dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội để có căn cứ pháp lý cho những văn bản đang triển khai thực hiện.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và xin báo cáo Quốc hội như sau:

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cơ bản được thực hiện theo pháp luật về dược. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Điều 15 quy định nguyên tắc dẫn chiếu pháp luật về dược; các Điều 17, 18, 20 và 21 chỉ quy định những hoạt động, nội dung mà Luật Dược chưa điều chỉnh.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 16 của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ và linh hoạt trong quá trình điều hành thực tiễn. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương trong việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được thực hiện theo pháp luật về hóa chất. Do vậy, xin phép Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật. Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về quản lý các chất ma túy thu được từ các vụ án hình sự tại Chương III. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung này đã được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, do đó xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về nội dung Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy:

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định giới hạn số lần xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời hạn quản lý để tránh lạm dụng, tùy tiện (điểm b khoản 3 Điều 23). Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau:

Việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính và là biện pháp duy nhất hiện nay giúp xác định một người có sử dụng ma túy hay không để có biện pháp quản lý phù hợp. Việc xét nghiệm chất ma tuý trong cơ thể được thực hiện theo quy trình chuyên môn và được chỉ định phù hợp với đối tượng được xét nghiệm, loại chất ma tuý được xét nghiệm. Trường hợp đối tượng có nhân thân tốt, tuân thủ quá trình theo dõi quản lý sẽ khác với đối tượng có tiền sử phức tạp, nguy cơ cao.

Ngoài ra, việc xét nghiệm chất ma tuý mới, ma tuý tổng hợp sẽ mất thời gian, số lần xét nghiệm có thể nhiều hơn so với các loại ma tuý thông thường. Do đó, nếu quy định cứng số lần xét nghiệm trong luật sẽ không bảo đảm tính khả thi, có trường hợp có thể bị lạm dụng nhưng có trường hợp sẽ không đáp ứng yêu cầu xét nghiệm.

Với những lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội được giữ như dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc kỹ để bảo đảm quy định cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm phù hợp trong thực tiễn, tránh việc lạm dụng, tùy tiện và lãng phí.

Về nội dung Cai nghiện ma túy:

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tại khoản 1 Điều 27, bổ sung một điểm để quy định trường hợp xác định tình trạng nghiện ma túy đối với “Người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc xác định tình trạng nghiện ma túy quy định trong dự thảo Luật gắn với hành vi tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy chứ không phải hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng trái phép chất ma túy. Do vậy, xin phép Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không tiếp tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện mà tái nghiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc rà soát và thấy rằng các trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 33 không bao gồm người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện mà tái nghiện. Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ trong hồ sơ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý như thể hiện tại dự thảo Luật. Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định yêu cầu cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (Điều 36) có khu dành riêng cho một số nhóm đối tượng tương tự như quy định đối với cơ sở cai nghiện ma túy công lập (Điều 35).

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý điểm e khoản 3 Điều 36 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện phải bố trí các khu hoặc phòng riêng cho một số nhóm đối tượng.

Về Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy:

Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định của khoản 3 Điều 46 chưa thống nhất với Điều 19, đề nghị bỏ từ “quốc phòng” tại khoản 3, đồng thời bổ sung vào khoản 3 Điều 48 như sau “Tổ chức kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng”. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và thấy rằng, Điều 19 đã bao hàm các nội dung tại khoản 3 Điều 46 và nội dung đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 48. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bỏ khoản 3 Điều 46 và giữ nguyên khoản 3 Điều 48 của dự thảo Luật.

Một số nội dung khác:

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, ngoài những nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại quy định về lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 26); áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy cho người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về nước do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam (Điều 37); miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đang cai nghiện ma túy bắt buộc (Điều 39); quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú (Điều 40); lập danh sách người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy (Điều 43) và trách nhiệm của Bộ Y tế (Điều 49).

Về văn phong, kỹ thuật lập pháp

Các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp các ý kiến sâu sắc, xác đáng cả về nội dung và về chữ, về nghĩa, kỹ thuật xây dựng văn bản. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin trân trọng tiếp thu tối đa ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý kỹ thuật đối với toàn bộ dự thảo Luật để hoàn thiện văn bản trình Quốc hội, bảo đảm rõ ràng về văn phong, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có một số điểm mới chủ yếu như sau:

Các quy định đã thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất (tại chương III) và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên (tại chương IV).

Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy. Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan này (tại chương II).

Bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy:

Trong đó, người sử dụng trái phép chất ma túy bị lập danh sách và được quản lý, theo dõi, hỗ trợ … trong thời hạn 01 năm bởi Ủy ban nhân dân cấp xã. Quy định rõ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính (Điều 23);

Người nghiện ma túy trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (Điều 32); Người hoàn thành cai nghiện ma túy (tự nguyện, bắt buộc), người hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế phải chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú; Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời hạn chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện thì bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bổ sung quy định các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp.

Đối với cai nghiện ma túy: Bổ sung quy định cho phép người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp (hoặc cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế) (Điều 27); Bổ sung quy định nhằm linh hoạt hơn khi lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy có thể thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (Điều 31, 35); Bổ sung các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp cai nghiện ma túy thông qua việc quy định rõ các giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (Điều 29); quyền và trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (Điều 35, 36) và chính sách của Nhà nước hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện (khoản 3 Điều 30);

- Quy định cho phép cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Luật này được cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhằm góp phần hỗ trợ, khắc phục hạn chế của công tác này thời gian qua (khoản 7 Điều 30)./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua  Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) với tỷ lệ 94,58%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO