Luật Đo đạc và Bản đồ vừa được Quốc hội thông qua gồm 9 chương, 61 điều. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Trước khi các Đại biểu tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ. Báo cáo nêu rõ:
Ngày 01/6/2018, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ (ĐĐ&BĐ). Hầu hết ý kiến của các vị ĐBQH tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình Quốc hội. Bên cạnh đó, có một số ý kiến góp ý thêm nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật. Sau Phiên họp, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) phối hợp với Ban soạn thảo - Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để chỉnh lý Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.
Về những quy định chung (Chương I), Có ý kiến ĐBQH đề nghị phạm vi điều chỉnh (Điều 1) nên viết gọn lại cho phù hợp hoạt động ĐĐ&BĐ đã quy định tại Khoản 4 Điều 3.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Theo cách thể hiện của một số luật mới được Quốc hội ban hành gần đây, phạm vi điều chỉnh được liệt kê tên tất cả các chương, trừ chương Quy định chung và chương Điều khoản thi hành, Dự thảo Luật cũng được thể hiện theo cách này. Do vậy, Ủy ban TVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Điều 1 Dự thảo Luật.
Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung một số vấn đề về nguyên tắc trong hoạt động ĐĐ&BĐ (Điều 4) như: bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao dân trí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến trên là xác đáng, đã chỉ đạo rà soát, bổ sung và chỉnh sửa Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 như trong Dự thảo Luật.
Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung một số vấn đề về nguyên tắc trong hoạt động ĐĐ&BĐ (Điều 4) như: bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, trên không và trên biển; đảm bảo bí mật nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật đã quy định bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đúng như Điều 1 Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, hoạt động ĐĐ&BĐ ngoài việc phải tuân theo các quy định của Luật này, còn phải tuân thủ các pháp luật có liên quan trong đó có pháp luật về bí mật nhà nước và đã được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 41 của Dự thảo Luật. Do đó, Ủy ban TVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung các vấn đề nêu trên vào Điều 4 Dự thảo Luật.
Có ý kiến ĐBQH đề nghị gộp Điều 9 với Điều 4; bổ sung vào Điều 9 quy định ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí hoạt động ĐĐ&BĐ cho các tỉnh nghèo theo tỷ lệ trợ cấp cân đối. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Điều 4 quy định về các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động ĐĐ&BĐ; Điều 9 quy định về tài chính cho hoạt động ĐĐ&BĐ, vì vậy không nên gộp lại với nhau. Việc hỗ trợ ngân sách trung ương cho các địa phương đã được quy định rất cụ thể trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Vì vậy, Ủy ban TVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định trên vào Dự thảo Luật.
Về đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính (Điều 19); yêu cầu, nguyên tắc và các trường hợp chuẩn hóa địa danh (Điều 20) và trách nhiệm chuẩn hóa địa danh, sử dụng địa danh đã được chuẩn hóa (Điều 21)
Có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét lại quy định về trách nhiệm của Bộ Nội vụ tại Khoản 4 Điều 19. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong ĐĐ&BĐ về địa giới hành chính đã được quy định tại Điều 29 của Luật Đất đai năm 2013. Do đó, Ủy ban TVQH đề nghị Quốc hội cho phép bỏ nội dung quy định trách nhiệm của Bộ Nội vụ tại Điều này để bảo đảm thống nhất của pháp luật.
Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung nguyên tắc “lịch sử” và phải được La tinh hóa vào Khoản 3 Điều 20; bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT hướng dẫn việc chuẩn hóa địa danh vào Khoản 1 Điều 21. UBTVQH báo cáo: Dự thảo Luật quy định chuẩn hóa địa danh là quá trình xác minh, thống nhất cách đọc, cách viết tiếng Việt về tên của đối tượng địa lý (Điều 20); các nguyên tắc chuẩn hóa địa danh được quy định trên cơ sở các nguyên tắc chuẩn hóa địa danh của Liên hợp quốc khuyến cáo và thực tiễn triển khai chuẩn hóa địa danh ở nước ta. Đồng thời, Dự thảo Luật quy định Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh tổ chức triển khai việc chuẩn hóa địa danh, thống nhất và ban hành danh mục địa danh đã được chuẩn hóa; xây dựng, cập nhật, công bố cơ sở dữ liệu địa danh đã được chuẩn hóa (Khoản 1 Điều 21). Do đó, Ủy ban TVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định trên vào Dự thảo Luật.
Về đo đạc, thành lập bản đồ địa chính (Điều 25) và đo đạc, thành lập hải đồ (Điều 27). Có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét lại quy định Khoản 1 Điều 25 chưa phù hợp với Khoản 4 Điều 3 của Luật Đất đai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Luật Đất đai năm 2013 tại Khoản 4, Điều 3 giải thích khái niệm bản đồ địa chính còn mang tính khái quát, chưa cụ thể. Tại Khoản 1 Điều 25 Dự thảo Luật quy định về bản đồ địa chính đã chi tiết hơn, phù hợp với thực tiễn và không mâu thuẫn với Luật Đất đai. Do đó, Ủy ban TVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định trên vào Dự thảo Luật.
Có ý kiến ĐBQH cho rằng việc thể hiện nội dung tại các Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 27 về đo đạc, thành lập hải đồ là không rõ ràng, thống nhất và đồng bộ giữa các khoản trong một điều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến trên là xác đáng, đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và thể hiện lại như trong Dự thảo Luật.
Về thành lập bản đồ hành chính (Điều 26)
Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung bản đồ hành chính cấp xã vào Khoản 1 Điều 26.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Bản đồ hành chính là bản đồ thể hiện sự phân chia lãnh thổ theo đơn vị hành chính trong quốc gia. Đơn vị hành chính cấp xã là cấp nhỏ nhất, trong đó không có sự phân chia lãnh thổ. Vì vậy, UBTVQH xin được giữ nguyên như Dự thảo Luật.
Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung bản đồ hành chính đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào Khoản 1 Điều 26. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện trực thuộc cấp tỉnh; việc thành lập bản đồ hành chính đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tương tự như thành lập bản đồ hành chính cấp huyện. Do vậy, UBTVQH xin không bổ sung quy định thành lập bản đồ hành chính đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào trong Dự thảo Luật.
Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung nội dung quy định về chỉnh lý biến động bản đồ hành chính các cấp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến trên là chính xác, đã chỉ đạo chỉnh lý Khoản 2 và Khoản 3 Điều 26 theo hướng bổ sung nội dung quy định về cập nhật, chỉnh lý biến động bản đồ hành chính Việt Nam, cấp tỉnh, cấp huyện như trong Dự thảo Luật.
Về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm (Điều 29). Có ý kiến ĐBQH đề nghị giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm (Khoản 2 Điều 29).
Về vấn đề này, UBTVQH giải trình: Đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm là hoạt động ĐĐ&BĐ chuyên ngành; Dự thảo Luật quy định Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm là phù hợp với sự phân công của Chính phủ được quy định tại Nghị định số 81/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm trừ công trình ngầm phục vụ cho quốc phòng, an ninh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Công trình ngầm phục vụ cho quốc phòng, an ninh là những công trình quan trọng, nếu thuộc danh mục bí mật quốc gia thì được quản lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 Dự thảo Luật: “Thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ thuộc danh mục bí mật nhà nước phải được bảo mật theo quy định của pháp luật và phải được bảo đảm an ninh, an toàn”. Ủy ban TVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định trên vào Dự thảo Luật…
Ngoài ra, các đại biểu cũng có ý kiến bổ sung về các nội dung như: Về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đo đạc và bản đồ; Đo đạc và bản đồ quốc phòng; Về cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ; Về quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ (Chương VIII)… Các nội dung trên đã được giải trình và đã được các vị đại biểu Quốc hội tán thành cao.