Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Bước tiến mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước

Thạch Long| 17/11/2020 18:06

(TN&MT) - Chiều 17/11, Quốc hội chính thức thông qua dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 91,91% Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các vị Đại biểu Quốc hội chúc mừng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua - Ảnh: Khương Trung

Đây là bộ luật được cử tri, người dân, doanh nghiệp, các Đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các ban, bộ, ngành, địa phương rất quan tâm. Diễn tiến trong quá trình xây dựng, sửa đổi luật cho thấy, hàng tháng, hàng tuần đều có ý kiến gửi về ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự thảo Luật.

Dự thảo Luật đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; rà soát kỹ thuật văn bản, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Làm sao giải quyết bài toán “không thể hi sinh môi trường để phát triển, nhưng cũng không thể quá cứng nhắc, khó khăn để kìm hãm phát triển,” – đó quả là điều không hề dễ dàng. Và lần này, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 13 chính sách mới đã cơ bản đáp ứng những yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước đặt ra.

Quốc hội họp phiên buổi chiều ngày 17/11/2020 - Ảnh: Quochoi.vn 

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường… theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Luật này đã hệ thống hóa được một cách khá toàn diện các đối tượng, lĩnh vực, khía cạnh của công tác bảo vệ môi trường. Nhiều điều khoản trong dự thảo luật đã đề cập pháp lý hóa được các chính sách, giải pháp để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc hiện nay trong công tác này. Rút gọn các thủ tục hành chính trong các quy trình quản lý môi trường hiện hành.

Đặc biệt, trong luật đã có cách tiếp cận mới, thêm nhiều phạm trù mới đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và mục tiêu phát triển bền vững như các công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường, kiểm toán môi trường, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ngành kinh tế - môi trường, công nghiệp môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, định giá carbon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải carbon, bảo vệ tầng ozone, v.v..

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường được tập trung quan tâm như một bộ công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý môi trường, vai trò của các bên liên quan, trong đó có hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường cũng được nhấn mạnh, làm rõ hơn…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các vị Đại biểu Quốc hội - Ảnh: Chinhphu.vn 

Về phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường, tại Điều 28 Luật đã được chỉnh lý, bổ sung theo ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội và đổi tên điều thành “Các tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư” để không lẫn với phân loại dự án theo tiêu chí đầu tư.

Về đối tượng thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, để bảo đảm tính xuyên suốt trong quá trình thực hiện các thủ tục môi trường, theo đó, chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Phương án này giảm được thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường mức độ cao, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Phương án này không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Thông qua đánh giá sơ bộ tác động môi trường, nhà đầu tư tránh được lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường ở ngay giai đoạn này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của Quốc hội 

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Bộ, cơ quan ngang Bộ, trừ các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và thể hiện tại Điều 35 của Luật. Luật cũng được bổ sung tại khoản 3 Điều 35 trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình phối hợp với UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM.

 Về giấy phép môi trường, Luật đã được chỉnh lý theo phương án được đa số các vị ĐBQH lựa chọn và được Chính phủ thống nhất tại Công văn số 584/CP-PL ngày 04/11/2020 gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được thể hiện tại Mục 4 Chương IV của Dự thảo Luật.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và quy định rõ việc phối hợp này phải được tiến hành ngay từ giai đoạn thực hiện ĐTM; quy định rõ trình tự, thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường trong trường hợp dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, thì cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản lý công trình thủy lợi đó như tại điểm d khoản 3 Điều 34 và điểm c khoản 2 Điều 43.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua chiều ngày 17/11/2020 với số phiếu tán thành cao 

Kết quả tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan là thông tin quan trọng để chủ dự án nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Kết quả tham vấn phải được thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến của đối tượng được tham vấn. Chủ dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và kết quả tham vấn (Khoản 5 Điều 33). Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 7 Điều 33 để phù hợp với thực tiễn yêu cầu thực hiện việc tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM của các loại dự án có quy mô, mức độ, phạm vi ảnh hưởng khác nhau.

Điều 34, Luật giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc công khai danh sách hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM; quy định chủ dự án có trách nhiệm công khai báo cáo ĐTM đã được phê duyệt kết quả thẩm định, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp như tại Điều 37.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều điều, khoản theo ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội như: Về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên (Điều 20, Điều 21); về quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia (Điều 23); nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh (Điều 24) để làm căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết; quy định về bảo vệ môi trường nước mặt; nước dưới đất, trách nhiệm quản lý chất lượng môi trường không khí; về kiểm toán môi trường; chỉnh lý quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động dầu khí; về thu gom, xử lý nước thải; về thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện về môi trường; về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước; chỉnh sửa quy định về điều khoản chuyển tiếp…

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 Chương, 171 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Riêng thời điểm có hiệu lực về nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường, để thực hiện đồng bộ với thi hành Luật Đầu tư công, thực hiện sớm hơn so với hiệu lực chung của Luật. Theo đó, Khoản 3 Điều 29 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.

 

Về lộ trình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, UBTVQH thấy rằng cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo tính khả thi, nếu quy định sớm hơn thì nhiều địa phương chưa có điều kiện thực hiện. Do đó, lộ trình thực hiện việc phân loại và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024 như tại khoản 7 Điều 79.

(Trích Báo cáo tóm tắt Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường trình Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Bước tiến mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO