Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Tuyết Chinh| 27/05/2020 09:42

(TN&MT) - Hôm nay 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Phiên làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Tính đến ngày 30/6/2019, cả nước có 24.776.733 trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước (trong đó có 12.915.365 trẻ em nam, chiếm 52,13%; 11.861.368 trẻ em nữ, chiếm 47,87%). Năm học 2018-2019, tổng số học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non và các cấp học phổ thông là 21.394.793 học sinh.

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quốc Khánh

Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.

Nhờ vậy, đến nay tất cả trẻ em dưới 06 tuổi được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí; gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; Nhà nước không thu học phí đối với học sinh học tiểu học; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội...

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, tình hình trẻ em còn những vấn đề đáng quan tâm, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn rất lớn. Bởi có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng hiện không đi học. Cấp học càng cao, tỷ lệ này càng lớn.

Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều: 1.773.112 trẻ, chiếm 7,16% tổng số trẻ em. Khoảng 33.000 trẻ không sống trong môi trường gia đình. Số trẻ em có cha mẹ ly hôn những năm gần đây đều rất lớn, trung bình mỗi năm có khoảng 70.000 trẻ em có cha mẹ ly hôn…

Đáng chú ý, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.

Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước.

Trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. Bạo lực trẻ em cũng xảy ra nhiều, hậu quả nghiêm trọng.

Theo Đoàn giám sát, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì lý do khác nhau…

Số lượng trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động còn lớn, nhưng không phải là lao động cưỡng bức theo các Công ước quốc tế về lao động cưỡng bức và đã giảm đáng kể so với những năm trước, thấp hơn tỷ lệ chung của một số nước trong khu vực.

Qua giám sát tại một số địa phương cũng cho thấy, phần lớn trẻ em tham gia lao động sớm đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, mục đích lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, nên được cha mẹ đồng thuận và chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc đưa các em trở về nhà; cần có nhiều giải pháp tổng thể về kinh tế - xã hội thì mới giải quyết được cơ bản tình trạng trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO