Ngành TN&MT

Quốc hội thảo luận về KT–XH: Sớm tổng kết, sửa đổi Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo

Trường Giang - Khương Trung 01/11/2023 16:47

Ngày 1/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Sớm tổng kết, sửa đổi Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đánh giá cao và bày tỏ nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Kinh tế về việc đánh giá giữa nhiệm kỳ, kết quả triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy vấn đề biển, đảo ít được đề cập, nhất là trong công tác quy hoạch.

Đại biểu Tạ Đình Thi nêu rõ, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là chủ trương lớn của Đảng, được cử tri, nhân dân các cấp, các ngành, nhất là các địa phương có biển rất mong muốn và kỳ vọng chiến lược sẽ tạo ra những bước phát triển đột phá...

Theo nhiều chuyên gia, kinh tế biển là một trong bốn trụ cột tăng trưởng của nước ta dựa trên tiềm năng kinh tế quốc gia, thời cơ của thời đại bên cạnh ba trụ cột gồm có nông nghiệp nhiệt đới, du lịch và đô thị. Hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36, Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xem xét, phê duyệt quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Đồng thời các ngành, địa phương có biển đã và đang lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh. Những quy hoạch này sẽ là tiền đề quan trọng để cụ thể hóa những mục tiêu của Chiến lược.

db-ta-dinh-thi-doan-ha-noi20230601103019.jpg
Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi

Bên cạnh đó, đến nay đã có 37/42 quy hoạch ngành quốc gia, 4 quy hoạch vùng liên quan trực tiếp đến biển trong số 6 quy hoạch vùng kinh tế - xã hội, 27/28 quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển đã được phê duyệt hoặc đang được xem xét, phê duyệt. Qua nghiên cứu và khảo sát, đại biểu cho rằng những vấn đề biển, đảo cần được quan tâm nhiều hơn nữa trong các quy hoạch trên.

Đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, vấn đề này còn gặp một số khó khăn, thách thức như: những quy hoạch liên quan tới khai thác và sử dụng tài nguyên biển và hải đảo liên quan tới tích chất liên ngành, liên vùng, tuy nhiên tư duy, tiếp cận chủ yếu mang tính chất đơn ngành, cục bộ và địa phương; thông tin dữ liệu đầu chưa đồng bộ, thiếu cả về số lượng, chất lượng dẫn tới việc đánh giá hiện trạng, tiềm năng tài nguyên biển phục vụ công tác dự báo, xây dựng quy hoạch khó đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Theo Đại biểu Tạ Đình Thi, đến nay nước ta mới khảo sát, điều tra được 37% diện tích biển ở bản đồ tỷ lệ 1/500.000, thông tin dữ liệu tài nguyên về biển còn chưa đấy đủ, đặc biệt là năng lượng tái tạo, đa dạng sinh học biển… kinh phí đầu tư công tác này chỉ đạt 50% tổng số kinh phí, dự toán đã phê duyệt trong hơn 10 năm qua.

Bên cạnh đó, các quy hoạch hiện đang được lập đồng thời, việc tích hợp các quy hoạch gặp nhiều khó khăn, có thể dẫn tới sự thiếu đồng bộ, liên thông, thống nhất… như giữa vận tải biển với nuôi trồng thủy sản, vùng bảo vệ với vùng phát triển kinh tế…

Ngoài ra, việc phân định ranh giới trên biển còn gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng tới việc xây dựng các quy hoạch trên biển, không rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương có biển với nhau…

Để tranh thủ và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển cho phát triển bền vững đất nước, khắc phục những bất cập, Đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, cập nhật các quy hoạch chú trọng vấn đề biển, đảo theo đúng chủ trương của Đảng.

Đồng thời, hoàn thiện và sớm đưa vào vận hành cơ chế điều phối liên ngành, liên địa phương có biển, tổ chức phân định ranh giới hành chính trên biển giữa các địa phương làm cơ sở quản lý biển một cách hiệu quả.

Ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thông tin dữ liệu biển và hải đảo theo đúng chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để phục vụ tốt cho công tác cập nhật, điều chỉnh quy hoạch.

Cuối cùng là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan, trong đó có việc tổng kết, sửa đổi Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển.

Tránh việc hiểu quy định pháp luật không giống nhau

Tranh luận với một số ý kiến cho rằng hiện nay hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo và khó thực hiện, Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, qua kết quả rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập của các cơ quan của Quốc hội cho thấy, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều, tức là khoảng 6,5% trên tổng số các nội dung được rà soát.

Trong đó, hầu hết các nội dung còn lại qua rà soát được chỉ ra là có bất cập do được ban hành khá lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, dẫn đến một số quy định không còn phù hợp. Bên cạnh đó, cũng có nội dung được cho là vướng mắc, song thực chất là do nhận thức, do văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành đầy đủ hoặc chưa triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của luật.

011120230809-nguyen-truong-giang.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Đại biểu cho biết, với gần 70% nội dung được phát hiện có bất cập, vướng mắc trong luật là thuộc các dự án luật đã có ở trong chương trình và tại kỳ họp thứ 6 này cũng có rất nhiều nội dung đã được trình Quốc hội. Ví dụ: Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản…

Qua kết quả rà soát vừa qua đối với các nội dung bất cập đã được chỉ ra trong việc rà soát, Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo tiếp thu đầy đủ. Đồng thời, tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp theo phương châm từ sớm, từ xa và trách nhiệm rõ ràng trong công tác phối hợp đã được Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ. Còn đối với các văn bản dưới luật đề nghị Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan sớm có kế hoạch sửa đổi để báo cáo với Quốc hội.

Trao đổi lại về vấn đề này, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, tại sao trong quá trình triển khai thực hiện mà vướng mắc rất nhiều, nhất là đầu tư công, cán bộ và công chức sợ sai, không dám làm.

Theo Đại biểu Tạ Văn Hạ, hiện nay, chính sách pháp luật đưa ra nhưng cách hiểu luật chưa thực sự thống nhất, dẫn đến cán bộ hiểu luật theo một cách nhưng đoàn kiểm tra, giám sát thì hiểu theo một cách khác.

011120230245-z4838320350735_64e5df259bd3a70e0eb7bee3eee31a27.jpg
Quang cảnh phiên họp

Dẫn ví dụ việc xác định giá trị đất đai khi trong vụ việc sai phạm, có trường hợp xác định giá trị tại khi khởi tố vụ án, tuy nhiên, cũng có quan điểm là phải xác định giá trị thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc đó. “Có vụ án lúc đầu ta xác định thiệt hại đến 4.000 tỷ, nhưng qua nhiều lần xác định lại thì còn có hơn 1.000 tỷ. Có vụ án tại Thành phố Hồ Chí Minh có giá trị hơn 1.000 tỷ rồi cuối cùng chỉ còn hơn 200 tỷ. Cho nên, đây chính là một trong những nguyên nhân, yếu tố cán bộ bây giờ sợ và không dám làm”, Đại biểu nói.

Đại biểu đề nghị, trong việc rà soát chồng chéo của pháp luật thì cũng cần phải làm rõ, thống nhất cách hiểu. Đồng thời khi xây dựng luật cũng cố gắng đơn giản, dễ hiểu để người dân có thể hiểu được, tránh hiểu nhiều cách khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về KT–XH: Sớm tổng kết, sửa đổi Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO