Trong nước

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thanh Tùng - Khương Trung 22/05/2024 - 15:54

Chiều 22/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có nồng độ cồn

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ: Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

3.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Đi vào các nội dung cụ thể, đối với quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, đa số ĐBQH nhất trí với dự thảo Luật; một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Về nội dung này, UBTVQH đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

“UBTVQH nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý”, ông Lê Tấn Tới cho biết.

Về đấu giá biển số xe, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, UBTVQH thấy rằng, sau thời gian bước đầu thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng được nhu cầu của người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo sự công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý biển số xe ô tô, được dư luận xã hội rất quan tâm và đồng tình, ủng hộ.

Việc luật hóa quy định của Nghị quyết số 73/2022/QH15 vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số. Việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là phù hợp với nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân muốn có biển số xe theo ý thích.

Do dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được Quốc hội thông qua trong cùng Kỳ họp thứ 7, nên UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án để gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.

Ông Lê Tấn Tới thông tin, đa số ý kiến nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án bổ sung 1 điều vào dự thảo Luật này để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh, sẽ quy định đầy đủ, cụ thể các nội dung về đấu giá biển số xe và tạo nên sự thống nhất với các quy định khác trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật

Đối với các quy định tại Chương IV về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, các ĐBQH đã tham gia ý kiến cụ thể đối với từng nội dung, nhất là về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; phân hạng giấy phép lái xe cho phù hợp với Điều ước quốc tế có liên quan; điểm của giấy phép lái xe; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ… Ý kiến của các ĐBQH đã được UBTVQH giải trình, tiếp thu đầy đủ.

Về hạng giấy phép lái xe, ông Lê Tấn Tới thông tin, một số ĐBQH đề nghị quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe trong Luật, không giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời, đề nghị quy định cho phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng quy định các hạng giấy phép lái xe tại khoản 1 Điều 57 theo hướng kế thừa các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phân hạng bảo đảm phù hợp với quy định của Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ; đồng thời, bổ sung điều khoản chuyển tiếp quy định các loại giấy phép lái xe đã cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực; trường hợp cấp lại thì mới cấp theo quy định của Luật này, nên không làm xáo trộn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp giấy phép lái xe.

Bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe

Đối với quy định về điểm của giấy phép lái xe, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nhiều ĐBQH đề nghị bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe để nâng cao ý thức người lái xe.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng Điều 58 về điểm của Giấy phép lái xe. Việc bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta. Quy định này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

“Người lái xe vi phạm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm”, ông Lê Tấn Tới thông tin.

Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe, thẩm quyền trừ điểm, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe và quy định lộ trình thực hiện Điều này.

Đối với ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Thanh tra giao thông tại Chương V của dự thảo Luật, ông Lê Tấn Tới cho biết, UBTVQH thấy rằng, quy định chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Đảng. Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được giao cho lực lượng cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm; còn Luật Đường bộ quy định Thanh tra giao thông thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện quy định về kết cấu hạ tầng đường bộ.

1.jpg
Quang cảnh phiên họp

Về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ quy định tại Chương VII, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến của ĐBQH góp ý về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ; về phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo tai nạn giao thông đường bộ; về cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ; về điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thành lập Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ… đã được UBTVQH chỉ đạo tiếp thu phù hợp trong dự thảo Luật.

Trong đó, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thành lập Quỹ giảm thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung Điều 85 trong dự thảo Luật, bảo đảm nguyên tắc rõ ràng: không vì mục đích lợi nhuận; được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; không được chi trùng với ngân sách nhà nước.

“Việc thành lập Quỹ này phù hợp với nhu cầu thực tiễn khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra cho con người và xã hội. Nguồn kinh phí của Quỹ chủ yếu là nguồn tài chính xã hội hóa, huy động được tối đa nguồn lực và phát huy được sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho những người không may bị nạn trong vụ tai nạn giao thông, thân nhân, gia đình của người bị tai nạn để họ nhanh chóng ổn định, trở lại cuộc sống thường ngày”, ông Lê Tấn Tới cho biết.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 8 điều do bổ sung 5 điều mới, gộp 4 điều thành 2 điều, tách nội dung của một số điều thành 5 điều khác; UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung của 79 điều, giữ nguyên nội dung 2 điều (Điều 33 và Điều 54).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO