Trong nước

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Thanh Tùng - Khương Trung 15/01/2024 - 17:54

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 15/1, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Các cơ quan đã nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến đại biểu quốc hội

Trình bày tóm tắt Báo cáo Tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, có trách nhiệm để tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của các ĐBQH.... Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).

Theo ông Vũ Hồng Thanh, về tổ chức, quản trị điều hành của tổ chức tín dụng (Chương IV), có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “đủ điều kiện theo quy định của NHNN” trong đoạn “lựa chọn một tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện theo quy định của NHNN” tại khoản 1 Điều 59 của dự thảo Luật. Chính phủ đề xuất chỉnh lý Điều 47, 48 theo hướng tăng nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành và quyền đình chỉ, tạm đình chỉ của NHNN; đề xuất chỉnh lý khoản 2 Điều 51 theo hướng tăng số lượng thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại tối thiểu từ 03 thành viên lên 05 thành viên. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH xin thể hiện như quy định tại Điều 47, 48 và 51 của dự thảo Luật.

99.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Đối với khoản 1 Điều 59, UBTVQH xin chỉnh lý như sau: “Trước khi kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập đáp ứng yêu cầu theo quy định của Thống đốc NHNN để kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động kiểm soát nội bộ đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính trong năm tài chính tiếp theo”.

Về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý (Điều 113), tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH xin chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 113 và tương tự tại các điều tương ứng với từng loại hình TCTD như sau: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc NHNN”.

Đối với quy định về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136), tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình cụ thể tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.

Tiếp thu ý kiến đối với quy định về dự phòng rủi ro (Điều 147), UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng Chính phủ quy định mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 3 Điều 147) do các nội dung này có liên quan đến các quy định về chế độ kế toán, thuế thu nhập doanh nghiệp... vì vậy cần có ý kiến tham gia của các bộ, ngành khác; đối với việc phân loại tài sản là nội dung chuyên môn của lĩnh vực ngân hàng thì thực hiện theo quy định của Thống đốc NHNN.

quang-canh-ky-hop(1).jpg
Quang cảnh phiên họp

Về Can thiệp sớm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Chương IX), tiếp thu ý kiến của ĐBQH, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định giao NHNN xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp, trong đó có trường hợp “a) Số lỗ lũy kế của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu” tại khoản 1 Điều 156…

Về chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng (Chương XIII), tiếp thu ý kiến của ĐBQH và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH xin tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định: “NHNN có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan” tại khoản 1 Điều 207. Đồng thời, UBTVQH đề nghị Chính phủ, NHNN, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Tài chính) tiếp tục có giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm các TCTD hoạt động lành mạnh, tăng tính hiệu lực, hiệu quả của Luật khi ban hành.

Quy định chặt điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan

Ngay sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các đại biểu quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật.

Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa), sau hơn 12 năm thực hiện, Luật Các tổ chức tín dụng đã góp phần lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng, hoàn thiện các cơ sở pháp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ, quá trình thực hiện, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trước yêu cầu mới, Luật đã bộc lộ một số hạn chế cần nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với hoạt động của các tổ chức tín dụng và thực tiễn quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

666.jpg
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu thảo luận

Cụ thể, về hạn chế thành viên của Hội đồng quản trị tại điểm b khoản 2 Điều 43 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần cân nhắc thận trọng hơn quy định này vì có thể sẽ gây nhiều vướng mắc trên thực tế. Tham gia Hội đồng quản trị một tổ chức tín dụng không phải là công việc toàn thời gian nên những người này thường có công việc khác. Đại biểu cho rằng, việc hạn chế điều kiện thành viên Hội đồng quản trị như dự thảo Luật có thể dẫn đến việc khó tìm được người đủ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức để tham gia Hội đồng quản trị.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn nhận thấy, mấu chốt vấn đề là cần kiểm soát các giao dịch, nhất là giao dịch cho vay của tổ chức tín dụng với doanh nghiệp khác mà thành viên Hội đồng quản trị kiêm nhiệm quản lý, điều hành. Do đó, biện pháp phù hợp hơn là quy định chặt chẽ về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng đối với doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan.

Về giới hạn tỷ lệ sở hữu quy định tại Điều 63 của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng mục tiêu tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết, song biện pháp tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tối đa chưa phải là giải pháp phù hợp vào thời điểm này. Đại biểu Võ Mạnh Sơn nhận thấy, nên giữ tỷ lệ sở hữu như quy định hiện hành. Đồng thời, Luật cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho ngân hàng liên quan tới cổ đông sở hữu cổ phần, không áp dụng hồi tố trong các trường hợp đã sở hữu trước ngày Luật này có hiệu lực.

Góp ý về vấn đề doanh nghiệp khởi nghiệp, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) nhận thấy, trong dự thảo Luật chưa điều nào đề cập đến việc các tổ chức tín dụng nói chung hay ngân hàng thương mại nói riêng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đại biểu cho rằng, ở các nước phát triển, các doanh nghiệp khởi nghiệp rất dễ dàng tiếp cận vốn vay vì ngân hàng chỉ cần thuê tư vấn độc lập đánh giá dự án có khả thi hay không là có thể cho vay vốn và dùng chính dự án làm tài sản thế chấp. Còn ở Việt Nam, muốn vay vốn phải có tài sản thế chấp ngoài dự án. Mà trong điều kiện bình thường, phải sau 3-5 năm tích lũy mới có tài sản, tức là sau 5 năm khởi nghiệp, doanh nghiệp mới có thể tiếp cận vốn vay.

Do đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm một điều về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp để Việt Nam có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp như các quốc gia khác trên thế giới.

huan.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) phát biểu thảo luận

Về vấn đề tài sản thế chấp khi vay vốn, đại biểu nhận thấy, “khẩu vị ưa thích” của hầu hết các ngân hàng thương mại hiện nay là tài sản cá nhân, đặc biệt là giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, sổ đỏ của người quản lý công ty làm tài sản thế chấp, cùng với tài sản hình thành từ dự án. Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, thay vì sử dụng biện pháp đảm bảo an toàn vốn vay bằng các nghiệp vụ thẩm định, đánh giá dự án thì ngân hàng lại trói buộc trách nhiệm cá nhân của người quản lý và trách nhiệm của doanh nghiệp, gây tổn thương cho doanh nhân. Điều này là trái với chủ trương phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước ta, vì trong phát triển bền vững, chỉ có năm loại tăng trưởng cần tránh, trong đó có “tăng trưởng không tương lai và tăng trưởng không lương tâm”.

Đại biểu nhận thấy, điều này cũng trái với chủ trương nêu trong Nghị quyết 41 của Trung ương ngày 10/10/2023 để xây dựng đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới. Đồng thời việc yêu cầu lấy sổ đỏ thế chấp vi phạm Hiến pháp năm 2013 tại các Điều 21, 22 và 32 về quyền riêng tư của sở hữu các nhân; vi phạm Luật Doanh nghiệp 2020. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị bổ sung thêm một điều trong Luật sửa đổi lần này yêu cầu các tổ chức tín dụng công nhận tài sản cá nhân của người quản lý doanh nghiệp làm tài sản thế chấp cho các khoản vay đầu tư phát triển nhà.

888888666.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đã phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao quyết tâm, tinh thần làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, cầu thị, lắng nghe lẫn nhau của các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, thống nhất được nhiều nội dung lớn, chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO