Trước khi bước vào phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Theo báo cáo, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 10 Chương và 121 điều, trong đó bổ sung thêm 01 chương mới, 02 điều mới, gộp 07 điều thành 02 điều, bỏ 05 điều, bổ sung một số điểm và khoản.
Thảo luận tại hội trường một số đại biểu nhận định, Luật Cạnh tranh lần này có 121 điều và 10 chương, tuy nhiên, trong 121 điều chúng ta dành 11 điều cho Chính phủ quy định chi tiêu và việc quy định chi tiết này cũng tương đối là ít so với các luật khác. Nội dung quy định chi tiết rất quan trọng đối với Luật Cạnh tranh. Cụ thể như xác định về thị phần, thị trường liên quan, tác động hạn chế kinh doanh, sức mạnh thị trường đáng kể, tập trung kinh tế tác động hạn chế cạnh tranh, cơ cấu tổ chức bộ máy, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia...
Do đó Chính phủ và cụ thể là Bộ Công Thương sớm phải có chuẩn bị để sau khi luật được ban hành thì chúng ta có quy định chi tiết cụ thể, rõ ràng hơn. Cạnh tranh là yếu tố rất cần thiết cho nền kinh tế thị trường, đó là động lực của sự tăng trưởng để giúp các doanh nghiệp không ngừng cải tiến kỹ thuật và nâng cao sản phẩm năng lực cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, tạo ra được một môi trường làm thế nào để cạnh tranh công bằng và minh bạch đó là điều mà luật chúng ta cần có chứ không phải chúng ta chỉ quy định nhằm hạn chế hoặc xử phạt cạnh tranh không minh bạch.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng cần quan đến nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khi tiến hành tố tụng cạnh tranh tại Điều 61. Theo đại biểu Tô Văn Tám, Khoản 9 Điều 3 giải thích từ ngữ thì vụ việc cạnh tranh là vụ việc vi phạm về cạnh tranh bị điều tra xử lý theo quy định của luật này bao gồm vụ việc hạn chế cạnh tranh, vụ việc vi phạm về tập trung kinh tế và vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.
Nhưng theo khoản 1 Điều 61 quy định quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh để giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh. Vậy theo quy định trên, Hội đồng này chỉ có nhiệm vụ giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh.
Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, về mặt trình tự thủ tục, phải có hành vi giải quyết rồi mới có hành vi giải quyết khiếu nại khi có khiếu nại. Bởi vậy, đề nghị giải quyết vấn đề này theo hướng giao quyền giải quyết vụ việc vi phạm tập trung kinh tế, vụ việc cạnh tranh không lành mạnh cho Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh quốc gia.
Do đó nên bổ sung vào khoản 1 Điều 61 quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh để giải quyết các vụ việc cạnh tranh; Bổ sung vào Điều 63 nhiệm vụ của Hội đồng này là xử lý vụ việc cạnh tranh chứ không phải chỉ là để xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh như dự thảo nêu. Bổ sung, chỉnh sửa như vậy sẽ đầy đủ hơn và như thế Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh được thành lập để xử lý cả 3 loại vụ việc, đó là hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế và cạnh tranh không lành mạnh.
Ở góc đọ khác, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đề nghị Quốc hội nên có nghiên cứu thỏa đáng về việc đưa các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật. Hiện nay vẫn còn một bộ phận lớn các đơn vị sự nghiệp công lập chưa thực hiện tự chủ và vẫn đang được ngân sách cấp phát. Các đơn vị sự nghiệp công lập này đang phải thực hiện lộ trình chuyển dần sang cơ chế tự chủ theo hình thức Nhà nước đặt hàng. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp và đang trong quá trình chuyển phí vào giá và tiến tới việc Nhà nước đặt hàng này, việc thực hiện các quy định như dự thảo luật là chưa khả thi và phù hợp.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cũng đề nghị dự thảo cần có các quy định rõ ràng đối với một số nội dung liên quan nhằm tránh cơ chế xin - cho, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện luật. Ông Nguyễn Thanh Hiền cũng phát biểu cần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trong việc cấp quyết định hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, thời hạn thẩm định việc tập trung kinh tế…
Quan tâm đến quy định phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh tại Điều 114, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Nguyệt tỉnh Hưng Yên cho rằng hình thức phạt tiền với hành vi này cần xét trong mối tương quan khi xử lý đối với doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề.
Trong trường hợp này các doanh nghiệp có thể chỉ vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong một hoặc một số ngành nghề hành hóa dịch vụ mà họ kinh doanh chứ không phải là vi phạm toàn bộ các ngành nghề mà họ đang kinh doanh. Khi đó chúng ta xử phạt vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 114, tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm là chưa được chính xác, thiếu tính khách quan cũng như sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp...
Ngày mai 25/5, Quốc hội sẽ Thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.
Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.