Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 16/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận “dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sáng nay (16/1), Quốc hội đã nghe tờ trình dự thảo Nghị quyết và đã tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này với hơn 100 ý kiến thảo luận. Các ý kiến cơ bản thống nhất với chính sách Chính phủ trình, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu đi thẳng vào nội dung, đề xuất cụ thể, tránh lặp lại các kiến nghị trước.
Quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ ngân sách
Đóng góp ý kiến phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) bày tỏ thống nhất với cơ chế đặc thù thực hiện dự toán chi thường xuyên. Trên thực tế, khi Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo dự án thành phần, lĩnh vực sẽ đảm bảo được việc kiểm soát chi đúng mục đích theo mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cũng còn những khó khăn, vướng mắc nảy sinh như trường hợp chi không đúng đối tượng, nội dung chi không còn phù hợp với thực tiễn của địa phương dẫn đến kết quả giải ngân vốn ngân sách thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia...
Để khắc phục vấn đề trên, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm theo tổng kinh phí chi thường xuyên cho từng chương trình mục tiêu quốc gia và giao cho HĐND địa phương phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần là hoàn toàn phù hợp, giúp cho các địa phương chủ động hơn và phân bổ sát thực tiễn thực hiện các nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu đề nghị tại điểm c khoản 1 cần làm rõ khi nào cần thiết HĐND cấp tỉnh phân cấp cho HĐND cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần. Theo đại biểu, nên xem xét giao cho HĐND cấp tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tổng kinh phí chi thường xuyên và giao HĐND cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án nội dung thành phần. Qua đó giúp chủ động cho các huyện và sử dụng chi thường xuyên sát thực tiễn và hiệu quả.
Đại biểu cũng đề nghị cần phải có quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ để các địa phương thực hiện đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia đề ra, tránh tình trạng phân bổ một cách chủ quan, tập trung vào một số dự án cụ thể.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) bày tỏ thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu đề nghị viết lại điểm c khoản 1 Điều 4 để đảm bảo dễ thực hiện và giảm tải cho các địa phương khi Nghị quyết được thông qua. Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 4 viết lại như sau: “c) HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần cho các đơn vị cấp tỉnh; phân bổ tổng thể nguồn kinh phí cho cấp huyện. Giao HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã, đơn vị cấp huyện”.
Về nguyên tắc thực hiện tại điểm c khoản 2 Điều 4 có quy định một số nội dung như: "...hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung dự toán thực hiện các dự án thành phần khác trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo không vượt tổng dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao.”; "...không vượt quá tổng mức vốn đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch cho từng chương trình."
Đại biểu băn khoăn không rõ là “cấp có thẩm quyền” là cấp nào: Trung ương hay địa phương, và quy định nội dung “không vượt tổng mức đầu tư đã được giao”, như vậy dự án vướng không thực hiện được thì có được điều chỉnh dự án khác như thế nào. Đại biểu lấy ví dụ cụ thể như dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông vướng quy hoạch bô xít đến 80%, không thể triển khai thì có được phép chuyển nguồn vốn dự án này cho dự án khác thuộc chương trình có được hay không, chứ nếu không rõ thì cũng đâu có điều chỉnh được rồi phải xin ý kiến Trung ương.
Khoản 5 Điều 4, đại biểu Dương Khắc Mai chọn phương án 1 vì quy định như vậy cơ quan Nhà nước không phải quản lý tài sản trong thời gian hoạt động và định giá khi kết thúc dự án. Do nếu thực hiện các công việc này sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí và hệ luy pháp lý mà không tính được trong nghị quyết này.
Ngoài ra, đại biểu Dương Khắc Mai nêu thực tế, hiện nay việc triển khai thực hiện cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã bước sang năm thứ 4, tuy nhiên, hiện còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn. Do đó, đại biểu tiếp tục đề nghị cơ quan có liên quan sớm ban hành cơ chế, hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi tiết
Góp ý về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) nêu rõ, dự thảo quy định theo hướng HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định.
Đại biểu đặt vấn đề trường hợp cần thiết là trường hợp nào, trường hợp nào là không cần thiết hiện chưa làm rõ. Đại biểu đề nghị phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.
Về khoản 4 Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định về sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất, theo đại biểu Lò Thị Luyến việc giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất là phù hợp. Tuy nhiên, cần phải làm rõ một số nội dung cụ thể như sau: Một là trường hợp nào cơ quan quản lý Nhà nước được giao cho chủ dự án phát triển sản xuất. Đại biểu đề nghị quyết định cụ thể chỉ tiêu giao cho chủ dự án thực hiện mua sắm đó là trên cơ sở đề xuất của chủ dự án theo đơn đề xuất để các cơ quan tổ chức thực hiện cho thuận lợi.
Ngoài ra, theo Nghị định 38 có quy định về nội dung việc mua sắm cây trồng, vật nuôi theo hướng ưu tiên sử dụng giống cây trồng vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Nhưng các địa phương chưa triển khai thực hiện được quyết định này do vướng mắc về tiêu chuẩn giống vật nuôi và giá cả thị trường. Dẫn chứng thực tiễn tại Điện Biên, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị được mua con giống tại địa bàn là giống bản địa, được lựa chọn theo tri thức bản địa, cảm quan kinh nghiệm của người dân như là về chiều cao về cân nặng, về vòng bụng, vòng cổ, màu da, màu lông v.v là những giống phù hợp với điều kiện khí hậu nên sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Do đó nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị là bổ sung vào dự thảo: trường hợp mua sắm giống cây trồng vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án thì giống cây trồng, vật nuôi đó chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo định mức kinh tế kỹ thuật gia cấp tỉnh, ban hành và được UBND cấp xã xác nhận.
Một vấn đề khác là việc định giá giống cây trồng vật nuôi khi mua trực tiếp từ người dân cũng có vướng mắc. Theo đại biểu, dự thảo Nghị quyết có quy định là cơ quan tài chính cung cấp hoặc UBND xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường của hàng hóa trong trường hợp thanh toán theo giá thị trường. Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị nội dung này nên quy định theo hướng giao cho các huyện thành lập Tổ thẩm định giá giống vật nuôi trên địa bàn làm cơ sở để triển khai thực hiện; phải quyết định cụ thể về tiêu chuẩn con giống và việc xác định giá như vậy thì địa phương mới triển khai được việc ưu tiên sử dụng giống địa phương.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, với 8 ý kiến thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã phát huy dân chủ, phát biểu khách quan, thẳng thắn, có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn. Cùng với 100 ý kiến thảo luận tại Tổ cho thấy các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, chỉnh lí dự thảo Nghị quyết sau Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổng thư ký Quốc hội nhanh chóng có báo cáo tổng hợp. Hội đồng dân tộc chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các Ủy ban Quốc hội ngay trong đêm nay hoàn thiện hồ sơ để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Nghị quyết tại phiên họp sáng 17/1 để bảo đảm cho ngày 18/1 Quốc hội biểu quyết thông qua.