Trong nước

Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Thanh Tùng - Khương Trung 17/06/2024 - 10:24

Sáng 17/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

1(1).jpg
Quang cảnh phiên họp

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sáng 22/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết; Quốc hội đã thảo luận tại Tổ với 117 lượt ý kiến phát biểu; Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp gửi các đại biểu Quốc hội; đề nghị các đại biểu Quốc hội thảo luận về các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra, tập trung vào các nội dung: Sự phù hợp của dự án với các quy hoạch, kế hoạch, phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư, nhu cầu sử dụng đất và phương án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, tổng mức đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, phân kỳ tiến độ thực hiện dự án, các cơ chế chính sách đặc thù của Chính phủ đề nghị áp dụng cho dự án.

Dự án sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ

Phát biểu thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí về sự cần thiết đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

sang.jpg
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu tại hội trường

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh- tế xã hội, đã được định hướng đầu tư tại các Nghị quyết số 23, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. Theo đại biểu, khi hệ thống giao thông phát triển sẽ là tiền đề tạo đà phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế- xã hội và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao…

Đại biểu Điều Huỳnh Sang nhấn mạnh, theo quy hoạch, dự án là trục giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Việc đầu tư dự án cao tốc sẽ giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ…

Theo đại biểu, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đánh giá các nội dung rất sát với tình hình thực tiễn. Theo đó, so với hướng tuyến tại quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tuyến đề xuất của dự án có một số thay đổi nhằm tối ưu hơn trong công tác thi công, khai thác, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy về kinh tế - xã hội cho địa phương.

Bên cạnh đó, dự án cũng bảo đảm cơ bản và phù hợp với các quy hoạch có liên quan, các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất và cũng đã đánh giá kỹ, hạn chế tối thiểu ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái… Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều dự án đường bộ cao tốc đang gặp khó khăn trong triển khai, thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường... Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm để có phương án hỗ trợ cho địa phương.

long.jpg
Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ đồng tình với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Theo đại biểu, đây là dự án rất quan trọng trong tổng thể các dự án trọng điểm quốc gia về giao thông.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đối với dự án này, chúng ta cần phải rà soát kỹ lưỡng về tính hiệu quả của dự án, phương thức bố trí vốn. Theo đại biểu Nguyễn Công Long, nếu có thể được thì chúng ta nên bố trí theo phương thức là vốn trung ương và vốn của nhà đầu tư, trên cơ sở sắp xếp làm sao đảm bảo sự dẫn dắt của đầu tư công, vai trò dẫn dắt của Nhà nước…

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần cân nhắc về cơ chế, chính sách chỉ định thầu. Qua triển khai thực hiện các dự án thấy rằng, trên thì mở dưới lại rất chặt chẽ. Đại biểu đưa ra ví dụ: quy định cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện với các tư vấn thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nhưng quy định ở dưới về tất cả trình tự, thủ tục thì vẫn theo luật bình thường, không có một cơ chế nào đặc biệt.

sinh.jpg
Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu thảo luận

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ giải trình thêm những vấn đề còn băn khoăn để các ĐBQH có thể yên tâm khi bán nút thông qua chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, đại biểu đưa ra 4 đề nghị gửi tới Chính phủ: Một là, đề nghị của Chính phủ báo cáo bổ sung thêm về tính hiệu quả của thời gian triển khai xây dựng và hoàn thiện công trình đến năm 2026. Hai là, Chính phủ cần yêu cầu 2 địa phương mà có dự án đi qua phải cam kết thật mạnh mẽ trong việc giao mặt bằng thi công nhanh nhất có thể. Ba là, cần tính đến lợi ích của hai nhà đầu tư có dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 14 và tuyến đường Hồ Chí Minh.

Bốn là, khi mà kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án này theo phương thức đối tác công tư, chúng ta cũng phải tính đến việc hài hòa lợi ích cũng như là chia sẻ rủi ro hợp lý của hai bên, trong đó Nhà nước cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư có phương án thu hồi vốn hiệu quả. Điều này rất quan trọng bởi dự án không đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thì có khi chúng ta phải chuyển dự án sang phương thức đầu tư công thì là lại gây chậm tiến độ, ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, việc huy động nguồn đóng xã hội để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông.

Dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt

Phát biểu giải trình, báo cáo một số nội dung các đại biểu đã đề cập tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ, tại hội trường, có thể thấy tất cả các đại biểu Quốc hội đều đồng tình ủng hộ rất cao về sự cần thiết phải triển khai dự án đường cao tốc này để thúc đẩy liên kết vùng ở khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ.

thang.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, báo cáo một số nội dung các đại biểu đã đề cập tại phiên họp

Về tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đây là dự án tương đối hoàn chỉnh, được quy hoạch 6 làn xe, sẽ thi công xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh, phần vốn nhà nước hỗ trợ tham gia là 50%, sau khi mãn tải sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe trên đoạn tuyến này. Quá trình tính toán cho thấy, đây sẽ là dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, phù hợp với các nhà đầu tư, cũng được các ngân hàng đánh giá cao. Bộ trưởng cho biết, thường các dự án dễ gặp khó khăn khi nguồn vốn huy động từ các ngân hàng để đầu tư cho các dự án BOT chủ yếu là huy động ngắn hạn, trung và dài hạn thì tối đa là 5 năm. Với một dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 18 đến 20 năm như dự án này, nhà đầu tư sẽ ưu tiên doanh thu để trả nợ ngân hàng, nên sẽ rất phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư.

Về tác động của dự án đến các dự án BOT song hành trên quốc lộ 14, Bộ trưởng cho biết, khi hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía đông và một số tuyến ngang, không chỉ có 2 dự án BOT bị ảnh hưởng, mà còn ảnh hưởng đến các dự án khác. Tác động này đã được Chính phủ lường trước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải trình phương án tháo gỡ, xử lý cho các dự án BOT bị ảnh hưởng, đặc biệt là do quá trình nhà nước đầu tư các dự án BOT đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và các trục ngang, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Bộ trưởng cho rằng, sau khi dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đi vào hoạt động, sẽ có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng tới các dự án khác để có đề xuất cụ thể, có thể là kéo dài thời gian thu phí, hoặc bổ sung một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án bị ảnh hưởng.

Về tiến độ của dự án, Bộ trưởng cho biết thời điểm triển khai của dự án đang có thuận lợi khi đã có kinh nghiệm triển khai hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc. Thời gian triển khai xây dựng được tính toán dựa trên kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2. Bộ trưởng cho rằng dự kiến tiến độ là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được.

88.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 10 đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu nêu. Các đại biểu tán thành sự cần thiết đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, giai đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành để từng bước hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương; tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa thuận lợi kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ, giúp tăng cường việc đảm bảo quốc phòng và an ninh.

Các đại biểu tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo nghị quyết; đồng thời đề nghị rà soát việc tuân thủ các quy hoạch, các chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất, phạm vi, quy mô phân kỳ đầu tư, phân chia dự án thành phần và cũng có đại biểu lưu ý về việc kết nối đoạn qua thị trấn Đức Hòa và điều chỉnh một số tuyến. Các đại biểu cũng cho ý kiến về quy mô phân kỳ đầu tư, phân chia dự án thành phần số làn xe, làn dừng khẩn cấp, đường cong, hầm chui dân sinh, đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai dự án như thu hồi đất, bồi thường, bố trí tái định cư, đáp ứng nguyên liệu cho các dự án để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án, đánh giá ảnh hưởng của các dự án đến việc thực hiện các dự án giao thông BOT song hành…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại Tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO