Quốc hội thảo luận trực tuyến dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021

Tuyết Chinh| 22/05/2020 09:01

(TN&MT) - Sáng nay (22/5), tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Trong chương trình làm việc sáng nay (22/5), Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể. Ảnh: Quốc Khánh

Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế nêu rõ, việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc hơn để thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về hội nhập quốc tế, đáp ứng những nhu cầu về pháp luật và thực tiễn đặt ra.

Việc xây dựng Luật Thỏa thuận Quốc tế nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không là ĐƯQT, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác TTQT; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện TTQT, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 gồm 07 chương, 53 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và thảo luận trực tuyến về nội dung này.

Trong chương trình làm việc buổi chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đọc Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đọc Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 61/142 điều, sửa kỹ thuật 09/142 điều, bổ sung mới 03 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Còn phần lớn thời gian phiên làm việc chiều, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thảo luận trực tuyến về nội dung này.

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, biểu quyết gồm 03 điều (quy định việc sửa đổi, bổ sung 49 điều của Luật hiện hành). Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ chưa sửa đổi toàn diện Luật này, mà chỉ mở rộng sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung thực sự có vướng mắc, bất cập.

Thời gian cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận trực tuyến dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO