Trong nước

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người

Thanh Tùng 22/10/2024 - 17:55

Chiều 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Luật Phòng, chống mua bán người, đồng thời thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Làm rõ các nội dung còn ý kiến khác nhau

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, ngày 4/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo đầy đủ số 981/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gửi các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

222.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Làm rõ một số nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, về khái niệm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (khoản 6 và khoản 7 Điều 2), một số ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc, quy định nạn nhân là bất kỳ người nào là đối tượng của hành vi mua bán người mà không chỉ là đối tượng bị xâm hại bởi hành vi mua bán người để phù hợp với Công ước Asean về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nếu quy định theo hướng nạn nhân là bất kỳ người nào là đối tượng của hành vi mua bán người thì sẽ rất khó chứng minh trên thực tế, không bảo đảm tính khả thi. Vì vậy, việc xác định nạn nhân cần phải dựa trên tiêu chí cụ thể, như bị xâm hại bởi hành vi mua bán người và được cơ quan có thẩm quyền xác định. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rộng hơn so với yêu cầu của các điều ước quốc tế trong việc hỗ trợ cả người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Do đó, đề nghị cho giữ như trong dự thảo Luật.

Đối với quy định về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người (Điều 5), bà Lê Thị Nga cho biết, một số ý kiến ĐBQH đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp và khu vực biên giới. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 6 Điều 5 của dự thảo Luật đã được bổ sung nội dung “địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp”.

Về đối tượng và chế độ hỗ trợ (Điều 37), một số ý kiến ĐBQH đề nghị người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng đầy đủ chế độ hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 37 dự thảo Luật do Chính phủ trình, trong đó có chế độ hỗ trợ học văn hóa. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 37 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ như nạn nhân, trừ hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Các chế độ hỗ trợ khác dành cho trẻ em (nếu có) thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Cùng với đó, một số ý kiến ĐBQH cho rằng người đang trong quá trình xác định là nạn nhân đang ở trong nước và ở nước ngoài cần phải có các chế độ hỗ trợ khác nhau vì trong một số trường hợp, ngân sách nhà nước không bảo đảm được việc hỗ trợ. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 37 của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng nạn nhân là công dân Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng đang ở nước ngoài thì được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế và chi phí phiên dịch. Sau khi những người này được cơ quan có thẩm quyền ở trong nước tiếp nhận và xác minh thì họ sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ khác như người đang trong quá trình xác định là nạn nhân ở trong nước.

Đối với quy định về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan về phòng, chống mua bán người (Chương VI), bà Lê Thị Nga cho biết, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu thu gọn quy định về trách nhiệm một số Bộ trong dự thảo Luật theo hướng khái quát hơn, phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ và thẩm quyền của Chính phủ trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ, phân công nhiệm vụ cho các Bộ. Chỉ nên quy định trách nhiệm của một số Bộ, ngành thực sự cần thiết, liên quan trực tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người.

0000.jpg
Các ĐBQH tham dự phiên thảo luận

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và thực hiện nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị bỏ Điều 56 (trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo), Điều 58 (trách nhiệm của Bộ Tài chính), Điều 59 (trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân). Đối với trách nhiệm các bộ, ngành khác được quy định trong dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trên cơ sở phân công nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ này đều có các chức năng, nhiệm vụ đặc thù trong phòng, chống mua bán người nên đề nghị vẫn giữ quy định về trách nhiệm của các bộ này trong dự thảo Luật.

Sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung chi tiết

Tham gia thảo luận về dự thảo Luật, các ĐBQH đều đánh giá, ghi nhận sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Nhất trí với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật rất rõ các ý kiến của đại biểu tham gia trên cơ sở kết hợp giữa lý luận và thực tiễn.

Góp ý cụ thể một số nội dung trong dự thảo Luật, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, về tên gọi của Điều 27, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân” vào sau cụm từ “Tiếp nhận, xác minh người đến trình báo là nạn nhân” để đảm bảo thể hiện đầy đủ với nội hàm được quy định tại Điều này.

Tại khoản 1, Điều 27 quy định: “1....Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, cơ quan, tổ chức tiếp nhận trình báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở...”. Theo đó, việc quy định “chuyển ngay người đó đến UBND cấp xã” một mặt chưa xác định “người đó” là người nào? (người cho rằng mình là nạn nhân hay người đại diện hợp pháp của họ). Mặt khác, theo đại biểu, quy định này cũng không khả thi trong các trường hợp người trình báo là đại diện hợp pháp của nạn nhân và nạn nhân hiện đang không có mặt tại địa phương nơi trình báo.

888.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu thảo luận tại hội trường

“Hơn nữa, dùng từ “chuyển” cũng không phù hợp, vì đây là con người, không phải là vật hoặc đồ vật và họ cũng cần được bảo vệ trong quá trình đến trình báo. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét sửa đổi, bổ sung cụm từ “chuyển ngay người đó đến UBND cấp xã...” bằng cụm từ “…bảo vệ và đưa ngay người đó hoặc thông báo đến UBND cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở…”. Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính chặt chẽ, không tạo khoảng trống pháp luật”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

Một điểm khác, tại khoản 3 Điều 31 về tiếp nhận, xác minh, giải cứu và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, địa biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị thay cụm từ “Cơ quan chuyên môn về Ngoại vụ cấp tỉnh” bằng cụm từ “Sở Ngoại vụ hoặc Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” để dễ dàng xác định được đúng địa chỉ, dễ hiểu, dễ tiếp cận, hơn nữa phù hợp với quy định của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo Điều 9 Nghị định số 24/2014 của Chính phủ quy định các sở đặc thù ở một số địa phương, trong đó có Sở Ngoại vụ và đối với những tỉnh không đủ tiêu chí thành lập Sở Ngoại vụ thì được thành lập Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh).

Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” sau cụm từ “Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh”. Lý do là để phù hợp với Điều 14 Luật Biên phòng Việt Nam quy định: Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tại Điều 34 Hiệp định quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới, cụ thể: ...“lực lượng Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ phòng, chống mua bán người, buôn lậu và gian lận thương mại”.

9999(1).jpg
Quang cảnh phiên họp

Theo đó, đại biểu đề nghị sửa lại khoản 3 Điều 31 như sau: “3. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi tiếp nhận người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam tiến hành hỗ trợ theo quy định tại Chương V của Luật này và thông báo cho Sở Ngoại vụ hoặc Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các công việc để trao trả về nước mà họ là công dân hoặc họ thường trú”.

Góp ý đối với khoản 1 Điều 51 về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị bỏ cụm từ “địa bàn” trước cụm từ “khu vực biên giới”. Đồng thời, đề nghị sắp xếp lại các cụm từ “khu vực biên giới, trên biển, hải đảo, cửa khẩu” tại khoản 1, 2 và 3 Điều này thành “khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển và hải đảo”. Theo đại biểu, mặc dù sắp xếp như dự thảo luật ko làm ảnh hưởng đến nội dung, tuy nhiên nên sắp xếp lại để phù hợp, thống nhất với khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật cũng như thống nhất với quy định tại Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Cảnh sát biển Việt Nam, vì tại các luật này không sử dụng cụm từ “địa bàn khu vực biên giới” mà sử dụng cụm từ “ở khu vực biên giới” và cụm từ khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển đi liền với nhau.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người có 8 chương, 65 điều quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO