Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Thanh Tùng| 15/06/2022 16:12

(TN&MT0 - Sáng 15/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, ngày 3/6, Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Qua thảo luận tại Tổ, đã có 90 lượt ý kiến về các nội dung, quy định của dự án Luật này. Ý kiến của các đại biểu đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp và gửi báo cáo tới các đại biểu Quốc hội.

2pct-dscf9653.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung như phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, các quy định về áp dụng pháp luật, điều tra cơ bản, hợp đồng dầu khí, nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ưu đãi về dầu khí, quản lý Nhà nước về dầu khí… cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao.

Cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, kể từ khi có Luật Dầu khí năm 1993 đến hết năm 2020, nước ta đã ký kết trên 108 hợp đồng dầu khí bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và giữ gìn bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Hiện nay, còn 51 hợp đồng đang tiếp tục khai thác. Đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam đã khai thác trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, doanh nghiệp nòng cốt của ngành dầu khí đã có những đóng góp quan trọng cho tổng thu ngân sách Nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội. Giai đoạn 2006 - 2015, đóng góp khoảng 20% đến 25% tổng thu ngân sách và GDP. Hiện nay, tuy tỷ trọng đóng góp đã giảm nhưng vẫn rất quan trọng, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước và 10% ở GDP. Riêng khoản thu dầu thô chỉ còn chiếm khoảng 3% trong tổng thu ngân sách Nhà nước.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hiện đại từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí, điện, chế biến và dịch vụ dầu khí. Hiện nay, theo báo cáo, Việt Nam đang đứng hạng thứ 33 trên 98 quốc gia có sản lượng dầu khai thác trong năm 2021. Mỗi ngày, nước ta khai thác được 182.146 thùng, tương đương với khoảng 29 triệu lít dầu.

Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo đều đang khai thác với mức độ suy giảm sâu về sản lượng như mỏ Bạch Hổ, cụm mỏ Sư Tử, Tê Giác Trắng. Các mỏ mới dự kiến đưa vào phần lớn là các mỏ có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ, công tác khai thác gặp nhiều khó khăn và thách thức. Trong khi đó, các thể chế chính sách hiện hành chưa có những cơ chế khuyến khích phù hợp cho hoạt động đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ và cận biên, khuyến khích thu hút thêm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Với những lý lẽ trên, đại biểu cho rằng, cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí hiện nay để bổ sung các cơ chế khuyến khích thu hút và khai thác dầu mỏ.

16.-tran-hoang-ngan-tp.hcm-0615.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Góp ý chi tiết nội dung dự thảo Luật Dầu khí, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, dự thảo gồm 64 Điều, 11 Chương. Mặc dù, Ban soạn thảo cũng có nghiên cứu, tham khảo các luật của Malaysia, Indonesia… Tuy nhiên, còn một số tồn tại, đó là khó khăn trong xây dựng luật, làm sao tách bạch được chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước, đảm bảo được an ninh, quốc phòng.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Điều 14 dự thảo Luật nhấn mạnh, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dầu khí phải ký kết hợp đồng dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Điều 21 quy định quyền hạn, nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch đấu thầu hoặc đề nghị áp dụng hình thức. Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần làm rõ hơn phân cấp chức năng, nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí ngay tại Chương 1 các điều khoản sau sẽ logic hơn.

Hiện, dự thảo Luật không có một chương đề cập đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực dầu khí. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, vì dầu khí là tài nguyên quốc gia, có ý nghĩa rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đảm quốc phòng, an ninh.

Về lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí tại Chương 3, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị nên soạn thảo trên cơ sở tôn trọng pháp luật đấu thầu. Về ưu đãi trong hoạt động dầu khí tại Chương 6, đại biểu nhận thấy, đây là nội dung rất tích cực vì thúc đẩy việc thu hút thêm các nhà đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trong việc khai thác, tìm kiếm, thăm dò thì điều khoản ưu đãi trong hoạt động dầu khí là rất cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị làm sao lượng hóa được các điều khoản này. Đồng thời, giải thích rõ hơn từ ngữ “hiệu quả đầu tư tối thiểu”, “đối tượng tìm kiếm, thăm dò dầu khí mang tính định hướng”.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị xem xét đổi tên Chương 7 của dự thảo Luật thành công tác tài chính của hoạt động dầu khí. Đồng thời, bổ sung thêm quy định về vai trò của Bộ Quốc phòng trong đảm bảo an ninh quốc phòng vào dự thảo Luật.

Bổ sung quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí

Góp ý về công tác điều tra cơ bản dầu khí, đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, để có được khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất và khả thi, thúc đẩy phát triển hoạt động dầu khí, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ lưỡng tác động và dự báo tốt bối cảnh tình hình khu vực và thế giới, nhất là tình hình Biển Đông, cuộc xung đột quân sự Nga - Ucraina, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến các bộ luật, luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản, Luật biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...

4.-ta-dinh-thi-tp.ha-noi-0615.jpg
Đại biểu Tạ Đình Thi phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu Tạ Đình Thi, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần thể hiện đầy đủ và toàn diện các yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, cụ thể là: Nâng cao năng lực của ngành Dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra nhanh chóng, cần hỗ trợ để tài nguyên dầu khí được khai thác kịp thời và đưa vào sử dụng đảm bảo giá trị vốn có. Quản lý các hoạt động dầu khí theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế và tuân thủ các quy định của Nhà nước nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư. Điều cần quan tâm đặc biệt là hoạt động dầu khí cần gắn liền với khẳng định chủ quyền biển, đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Đó là những nội dung cốt lõi cần được nghiên cứu, rà soát và bổ sung vào các điều, khoản có liên quan của dự thảo Luật.

Công tác điều tra cơ bản dầu khí cần đầu tư nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi vào Điều 5 để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí cũng như các hoạt động dầu khí khác, nhất là ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Mặt khác, cần có cơ chế để kết hợp các hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của các cơ quan, chia sẻ thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra để tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng điều tra biển.

toan-canh-0615-2-.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu Tạ Đình Thi, đối chiếu theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại Khoản 2 Điều 13 thì dự án điều tra cơ bản dầu khí sẽ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Như vậy, quy định tại Điều 4 sẽ không giải quyết được mẫu thuẫn, xung đột giữa Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí.

Về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, vấn đề môi trường lớn nhất trong hoạt động dầu khí là sự cố tràn dầu. Các sự cố tràn dầu “không rõ nguyên nhân” diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế và để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường biển. Nguy hiểm hơn, khó phát hiện hơn và gây hậu quả lâu dài là hiện tượng dầu âm thầm rò rỉ, thoát ra biển do các hoạt động dầu khí như: xử lý không tốt các lỗ khoan thăm dò và lỗ khoan sau khai thác, khi triển khai hoạt động khai thác, thu dọn công trình dầu khí…

Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật làm rõ và bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và cơ quan quản lý trong việc xây dựng, trình duyệt và kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO