Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

12/11/2018 15:30

(TN&MT) - Chiều 12/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, với 469 đại biểu tham gia biểu quyết, 469 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 100% đại biểu tham gia quyết, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật tại Phụ lục 3 và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
 

Doan DBQH Ba ria Vung tau bam nut bieu quyet (5)
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)  tại phiên Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại;

Đồng thời, xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.

toàn cảnh quốc hội
Toàn cảnh quốc hội

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Trước đó, hôm 2/11, Quốc hội đã nghe tờ trình của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á - Thái Bình Dương.

"Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh", Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Ngoài thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế… Đặc biệt, việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với quy định về lao động, minh bạch hoá, chống tham nhũng… đòi hỏi Việt Nam chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để phù hợp với điều ước quốc tế nhưng đảm bảo sự vững chắc ổn định chính trị - xã hội.

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, 11 nước tham gia CPTPP có quy mô dân số 502,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số thế giới, quy mô GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại 10.000 tỷ USD. Việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn.

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Việt Nam cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Chính phủ cũng đánh giá CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000; dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo (ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày).

Hiệp định CPTPP, tiền thân là TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) gồm 11 nước: New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, Brunei, Chile, Malaysia, Peru, Australia và Việt Nam. Các cuộc đàm phám CPTPP kết thúc hôm 23/1 tại Tokyo, Nhật. Hiệp định được ký kết vào ngày 8/3 tại Santiago, Chile.

TPP ban đầu từng được kỳ vọng tạo ra khối tự do thương mại lớn nhất toàn cầu với sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút Washington khỏi hiệp định, buộc 11 nước còn lại phải tái đàm phán để cho ra đời phiên bản mới mang tên CPTPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO