Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

Khương Trung – Tuyết Chinh| 21/10/2020 17:46

(TN&MT) - Chiều ngày 21/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 6 chương, 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.

Những nội dung của dự thảo Luật tiếp tục xin ý kiến gồm: Tên gọi, khái niệm “Biên phòng” và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; các hành vi bị nghiêm cấm; nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng.

Vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng; nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; quyền hạn của Bộ đội Biên phòng; hình thức quản lý, bảo vệ biên giới; biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; trang bị của Bộ đội Biên phòng; bảo đảm về biên phòng và chế độ, chính sách về biên phòng; bố cục của dự thảo Luật; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Tại Kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu rõ: Trên cơ sở các ý kiến tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Những nội dung đề nghị giữ nguyên

Cụ thể, về tên gọi của Luật: Đa số ý kiến nhất trí với tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam”. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, tên Luật có phạm vi rộng, chưa phù hợp với nội dung và đề nghị sửa lại là “Luật Bộ đội Biên phòng”,“Luật Bộ đội Biên phòng Việt Nam”, “Luật Lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam”; có ý kiến đề nghị sửa lại là “Luật Biên phòng” cho phù hợp với cách gọi tên của một số luật. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ tên Luật như Dự thảo Chính phủ trình.

Về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 6): Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định còn chung chung nên đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể, đầy đủ hơn về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, nhất là lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nhiệm vụ biên phòng là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Dự thảo Luật quy định ngoài các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân, hoạt động ở khu vực biên giới, cửa khẩu còn có các cơ quan chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng này là phù hợp. Đồng thời, đây là cơ sở để quy định một số chế độ, chính sách cho từng lực lượng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định trong dự thảo Luật.

Về hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới (Điều 16): Có ý kiến đề nghị nghiên cứu không nên quy định quá cụ thể về thời gian hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động tại dự thảo Luật mà nên quy định trong văn bản dưới luật cho linh hoạt, chủ động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thời gian hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới là luật hóa các quy định dưới luật đang thực hiện ổn định, không có vướng mắc, đồng thời bảo đảm yêu cầu của Hiến pháp là việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định.

Về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới (Điều 19): Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và tăng cường của bộ đội biên phòng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật chỉ quy định về trường hợp áp dụng hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và tăng cường của bộ đội biên phòng, còn nội dung cụ thể về tổ chức thực hiện giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết là phù hợp với thẩm quyền, nhằm bảo đảm yếu tố bí mật về quân sự, tổ chức lực lượng, bảo đảm vũ khí và phương tiện của Bộ đội biên phòng....

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt

Điều chỉnh một số nội dung để phù hợp với thực tiễn 

Về khái niệm “Biên phòng” (khoản 1 Điều 2): Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý lại khái niệm “Biên phòng” đảm bảo phù hợp quan điểm của Đảng và quy định của các luật khác như sau: “Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”.

Về chính sách của Nhà nước về biên phòng (Điều 3): Có ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định: “Khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ về vật chất, tài chính và tinh thần để thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên cơ sở tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế”. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung khoản 7 cho phù hợp với chính sách của Nhà nước về quốc phòng quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Quốc phòng.

Về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 10): Có ý kiến đề nghị quy định mỗi loại nhiệm vụ biên phòng cần giao một Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc chính quyền địa phương cấp tỉnh chủ trì thực hiện, còn các cơ quan khác tham gia phối hợp.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc, còn việc xác định vai trò chủ trì căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan theo quy định của pháp luật; các nguyên tắc và nội dung phối hợp được áp dụng chung cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Quy định như vậy để các chủ thể chủ động, linh hoạt trong việc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng và giao Chính phủ quy định chi tiết việc này. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ từ “điều tra”, đồng thời đề nghị Quốc hội cho bổ sung điểm đ vào khoản 3 quy định: “Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng” và rà soát, chỉnh lý một số nội dung như trong dự thảo Luật.

Về vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng (Điều 12): Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “phối hợp với cơ quan, tổ chức” vào sau cụm từ “chủ trì” và sửa lại khoản 2 Điều 12 như dự thảo Luật trình Quốc hội.

Về quyền hạn của Bộ đội Biên phòng (Điều 14): Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật” vào sau cụm từ “bảo vệ biên giới quốc gia, cửa khẩu” tại khoản 9 cho đầy đủ.

Về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân về biên phòng (Điều 7): Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ từ “nghĩa vụ"...

Toàn cảnh phiên họp

Về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 34): Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuyển điểm e khoản 2 quy định “Ưu tiên đảm bảo nhà ở, đất ở và các chính sách khác cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng công tác lâu dài ở khu vực biên giới” lên điểm b khoản 1 cho đúng thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và chỉnh lý về kỹ thuật, sắp xếp lại thứ tự các khoản cho phù hợp; bổ sung nội dung “chính sách hậu phương quân đội” vào điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 và chỉnh lý lại Điều này như dự thảo Luật trình Quốc hội.

Ngoài các vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý, sắp xếp lại một số điều, khoản cho phù hợp về thể thức, kỹ thuật, bố cục văn bản, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 06 chương, 36 điều. Với báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO