Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 1.907 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay, có 1.870 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 98,1%
Thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 1.907 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay, có 1.870 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 98,1%.
Giải quyết, trả lời với trách nhiệm cao khối lượng lớn kiến nghị của cử tri
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri |
Đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 58/58 kiến nghị, đạt 100%.
Cử tri đánh giá cao sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt với tinh thần trách nhiệm nên hoạt động của Quốc hội đạt hiệu quả cao. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị được các đại biểu Quốc hội tiếp thu, phản ánh khi đóng góp xây dựng pháp luật và trong hoạt động chất vấn.
Một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân được đông đảo cử tri quan tâm như: việc đầu tư, xây dựng một số tuyến đường cao tốc; việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực… đã được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội lựa chọn giám sát.
Đặc biệt, tiếp thu kiến nghị cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức thành công, đảm bảo lựa chọn được những đại biểu có đủ năng lực, phẩm chất, xứng đáng là người đại diện của Nhân dân.
Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tiếp nhận 1.807 kiến nghị của cử tri, đã giải quyết, trả lời 1.773 kiến nghị, đạt 98,1%, trong đó, có 1.474 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin; 136 kiến nghị đã giải quyết xong; 163 kiến nghị đang được xem xét, giải quyết.
Chính phủ, Bộ, ngành đã đặc biệt quan tâm, nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của cử tri. Nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri được nghiên cứu, tiếp thu giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân.
Cụ thể, các Bộ, ngành đã giải quyết, trả lời với trách nhiệm cao một khối lượng lớn kiến nghị của cử tri. Trong đó, một số Bộ, ngành tập trung chỉ đạo, tích cực nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri như: trả lời của Bộ Quốc phòng về việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ ngã tư xã Chà Vàl đến xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; trả lời của Bộ Nội vụ về cải cách thủ tục hành chính; trả lời của Bộ Giao thông vận tải về đầu tư đường cao tốc Châu Đốc - Tân Châu; trả lời của Bộ Tư pháp về xác định họ cho con của người dân tộc Khmer...
Đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã được các Bộ, ngành tiếp thu, xem xét, giải quyết kịp thời, như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Theo đó, kể từ ngày 30/3/2021, hộ mới thoát nghèo tiếp tục được Nhà nước cho vay ưu đãi để tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế thống nhất thí điểm sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội số cho người dân tại 10 tỉnh, thành phố ở miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề của đợt bão lũ thời gian vừa qua, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám, chữa bệnh. Theo đó, người tham gia bảo hiểm y tế có thể sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội số khi đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ Bảo hiểm y tế giấy.
Đối với những vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được tiếp thu xem xét, giải quyết: Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 130 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó, quy định về người có nghĩa vụ kê khai hàng năm, việc xử lý đối với những người kê khai không trung thực... nhằm công khai, minh bạch tài sản, thu nhập để phòng ngừa tham nhũng ở những người có chức vụ, quyền hạn.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều quy định mới như: trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tiêu chí thu nhập với khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 2 lần so với trước.
Ngoài ra, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã xem xét, trả lời 30/30 kiến nghị. Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành một số văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến nợ xấu; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành kiểm sát thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, có nhiều biện pháp để nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Kiểm sát viên trong giải quyết các vụ án hình sự...
Rà soát, xử lý dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế như: vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất; có quy định còn chưa phù hợp với thực tế, nhiều ý kiến cử tri không đồng tình; một số kiến nghị cử tri qua nhiều kỳ họp mặc dù đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực vẫn còn chậm; vẫn còn tình trạng có sự không thống nhất về quan điểm giữa Bộ, ngành trong việc thực hiện quy định của pháp luật
Về các kiến nghị, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị: Đối với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH: tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề bức thiết, nổi cộm được đông đảo cử tri quan tâm; các Đoàn ĐBQH, ĐBQH nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị cử tri; tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực, đối tượng... để lấy ý kiến đóng góp có chất lượng phục vụ cho công tác giám sát, xây dựng chính sách, pháp luật.
Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.