Mở đầu phiên chất vấn, Quốc hội đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri (giảm 357 kiến nghị so với kỳ họp trước) . Các kiến nghị này đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Về hoạt động của Quốc hội: có 72/2.099 kiến nghị (chiếm 3,43% tổng số kiến nghị cử tri), giảm 67 kiến nghị so với kỳ họp trước .
Về hoạt động lập pháp: cử tri tiếp tục kiến nghị cần nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh; nâng cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị dự thảo luật trình Quốc hội; ngoài ra, cử tri thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh,... đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành một số luật như Dân số, Nhà giáo, Cấp nước,… xem xét, sửa đổi Luật Đất đai, các luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng; cử tri Tây Ninh kiến nghị UBTVQH sớm ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân. Đặc biệt, cử tri của 11 tỉnh, thành phố có ý kiến góp ý đối với 07 dự án luật cụ thể: An ninh mạng, Quy hoạch, Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Tố cáo (sửa đổi), Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi),...
Về hoạt động giám sát: cử tri TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Định, Sóc Trăng,... tiếp tục kiến nghị Quốc hội (QH) tập trung giám sát những vấn đề bức xúc trong xã hội, như: công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tình hình nợ công, bội chi ngân sách nhà nước; tiến độ thực hiện và chất lượng các công trình, dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư; an toàn thực phẩm; quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; hoạt động điều tra, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng;... Đặc biệt, cử tri An Giang kiến nghị cần quan tâm, giám sát chặt chẽ hơn việc ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, việc triển khai thực hiện dự án sân bay quốc tế Long Thành; cử tri Lâm Đồng đề nghị trong các nghị quyết giám sát cần xác định rõ thời hạn giải quyết, trả lời các kiến nghị sau giám sát, có chế tài cụ thể đối với các cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị giám sát,...
Về công tác điều hành của Chính phủ: có 1.993 kiến nghị (chiếm 95% tổng số kiến nghị cử tri ), thuộc các nhóm vấn đề như: Nông nghiệp, nông thôn; Về giải quyết việc làm, an sinh xã hội; Về văn hóa, giáo dục, y tế; Về kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân hàng; Về sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; Về giao thông vận tải, xây dựng; Về tài nguyên và môi trường; Về tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính; Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố, cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Đặc biệt, cử tri TP. Hồ Chí Minh, Bình Định lo lắng về tình trạng vi phạm các quy định về phòng, chống cháy, nổ xảy ra ở nhiều nơi, gây mất an toàn cho người dân, nhất là ở các khu chung cư cao tầng, nguy cơ cháy, nổ rất cao do thiết kế xây dựng, do thiếu các thiết bị, điều kiện PCCC, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và có biện pháp giải quyết kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân (kiến nghị cử tri qua tiếp xúc cử tri tháng 11/2017, trước khi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại khu chung cư Carina, TP. Hồ Chí Minh).
Giải quyết nhiều tồn tại hạn chế nêu tại báo cáo kỳ trước
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, để kiểm tra, xử lý những hành vi, thái độ của cán bộ, công chức chưa đúng mực khi tiếp dân, trong giải quyết thủ tục hành chính mà cử tri phản ánh nhiều tại kỳ trước ,... nhiều địa phương đã tăng cường công tác thanh tra công vụ, triển khai nhiều biện pháp để thường xuyên giám sát cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, chẳng hạn như TP. Hà Nội đã lắp camera tại mọi địa điểm thực hiện thủ tục hành chính “một cửa”, “một cửa liên thông”; thí điểm cấp địa chỉ email cho các hộ gia đình (UBND quận Tây Hồ hoàn thành cấp email cho 88,5% hộ), qua đó cung cấp nhiều thông tin cho người dân hỗ trợ người dân thực hiện một số thủ tục hành chính, từng bước nâng dần mức độ hài lòng của người dân.
Ngoài ra, Thủ tướng còn quyết định thành lập mới Tổ công tác về kiểm tra việc thực thi công vụ tại các bộ, ngành, địa phương để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã đề xuất và được Ban Dân vận trung ương nhất trí chọn năm 2018 là “Năm Dân vận Chính quyền”, Chính phủ xác định phương châm hành động là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” kiên quyết xóa bỏ tình trạng cán bộ không sát dân, xa dân, những nhiễu, tiêu cực, mất uy tín trong dân.
Tại một số kỳ họp trước, nhiều kiến nghị của cử tri phản ánh về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn có hạn chế, nhiều vụ tham nhũng được phát hiện do đơn tố cáo của người dân hoặc do mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua hoạt động thanh tra, kiểm tra; công tác thu hồi tài sản tham nhũng, xử lý cán bộ sau tham nhũng cũng còn nhiều bất cập, việc xử lý nội bộ, xử lý hành chính còn nhiều,... Khắc phục những hạn chế này, cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã chủ động phối hợp trao đổi thông tin; rà soát, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng. Theo báo cáo của TTCP , năm 2017, qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã phát hiện 87 vụ việc với 123 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 70% số vụ việc, 45% số người vi phạm so với năm 2016),... Cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 354 vụ án, 785 bị can phạm tội tham nhũng (tăng 60 vụ, 103 bị can); đã kết luận điều tra 197 vụ, 467 bị can (tăng 77% số vụ),…
TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 5,7% số vụ), trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, chiếm 49,7% (tăng 2% so với cùng kỳ); có 08 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016) . Riêng trong Quý I/2018, toàn ngành thanh tra đã tiến hành trên 1.800 cuộc thanh tra hành chính và trên 36.700 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; việc xử lý sau thanh tra được đẩy mạnh, đã đôn đốc, kiểm tra thực hiện gần 1.200 kết luận thanh tra, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 82 tổ chức, 391 cá nhân, khởi tố 53 vụ .
“Với sự nỗ lực cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong giải quyết các kiến nghị, phản ánh của của cử tri đã góp phần tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc mà người dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang gặp phải, tạo môi trường thông thoáng hơn trong sản xuất, đầu tư và kinh doanh, góp phần tích cực vào những kết quả chung trong tăng trưởng kinh tế - xã hội thời gian qua, được cử tri ghi nhận, cụ thể Tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I tăng trưởng vượt trội, đạt 7,38% (cao nhất trong 10 năm) trong đó khu vực công nghiệp tăng 10,08% (là mức tăng trưởng 2 chữ số lần đầu tiên sau rất nhiều năm)” – Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nói .
Các kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ
Sau khi nêu một số tồn tại hạn chế đã nêu tại báo cáo kỳ trước còn bất cập, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã nêu các kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Chính phủ
Đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội: cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, bảo đảm khách quan, dân chủ, vì lợi ích của Nhân dân và cử tri.
Quan tâm khắc phục những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo để nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri và giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật. Sớm có kế hoạch rà soát ngay việc chậm ban hành đối với 26 văn bản hướng dẫn liên quan đến 16 bộ luật, luật như đã nêu .
Đối với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá các bộ, ngành trong việc thực hiện trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của cử tri; lấy kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Bộ trưởng, Trưởng ngành; có hình thức xử lý khi cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm trong giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri. Đặc biệt, quan tâm tới công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách, các quy định trong kinh doanh, sản xuất mang tính chất chuyên môn, chuyên ngành,… để từng bước giảm dần số lượng các kiến nghị, phản ánh của cử tri do thiếu thông tin, hiểu biết về một số quy định của pháp luật.
Tổ chức Hội nghị toàn quốc về “Công tác giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri” để nâng cao chất lượng; đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác này (như công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và giữa bộ, ngành với địa phương trong giải quyết kiến nghị của cử tri,…). Đối với các bộ, ngành, cần xây dựng kế hoạch cụ thể giải quyết các tồn tại, hạn chế như đã nêu…
Sau báo cáo của Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về nhóm vấn đề thứ nhất: Giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao…
Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ liên tục cập nhật phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội trong các bản tin tiếp theo.