“... Quê mẹ, Bảo Ninh”
(TN&MT) - Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, đi dọc những con đường ở Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, ngắm nhìn những con thuyền đánh cá ngược xuôi trên dòng Nhật Lệ, hình ảnh mẹ Suốt - người phụ nữ Việt Nam anh hùng chèo đò đưa bộ đội qua sông năm nào như vẫn còn ẩn hiện giữa dòng nước xanh trong.
Nhớ về mẹ, những vần thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu cứ thế vọng về: “Lặng nghe mẹ kể ngày xưa/ Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình/ Mẹ rằng: Quê mẹ, Bảo Ninh…”.
“Cứu nước, mình chờ chi ai?”
Theo các tư liệu lịch sử, mẹ Nguyễn Thị Suốt sinh năm 1906 tại làng Trung Bính, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Do nhà nghèo nên từ thuở nhỏ, mẹ phải đi ở đợ hết nhà giàu này đến nhà giàu khác. Cách mạng Tháng Tám thành công, quê hương được giải phóng, rồi cả dân tộc lại bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đến khi giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, mẹ đã 60 tuổi. Với tình yêu quê hương tha thiết, theo tiếng gọi của cách mạng, mẹ đã xung phong nhận công việc tưởng như bình thường nhưng vô cùng nguy hiểm: Chở đò ngang qua sông Nhật Lệ.
Ngày 7/2/1965, không lực Hoa Kỳ đã huy động 160 lần chiếc máy bay phản lực hiện đại ồ ạt tấn công bắn phá thị xã Đồng Hới và các vùng lân cận. Đây là trận oanh tạc lớn mở màn cho cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của giặc Mỹ đối với nhân dân ta nói chung, Đồng Hới nói riêng. Thị xã Đồng Hới rung chuyển trong khói lửa đạn bom của kẻ thù. Biến căm thù thành hành động cách mạng, cả thị xã Đồng Hới và làng cát nhỏ Bảo Ninh đã dũng cảm kiên cường chiến đấu với máy bay Mỹ. Trên sông Nhật Lệ, mẹ Suốt hàng ngày hiên ngang cầm chắc tay chèo chở bộ đội sang sông, vận chuyển đạn từ bờ ra tàu chiến của ta để đánh trả quân thù.
Tháng 11/1965, nhà thơ Tố Hữu, lúc đó là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến Đồng Hới, Quảng Bình. Sau khi có cuộc nói chuyện với mẹ Suốt, nhà thơ đã sáng tác bài thơ nổi tiếng mang tên "Mẹ Suốt". Bài thơ đã lột tả sinh động hình ảnh cuộc đời mẹ Suốt, cũng là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, với những câu thơ nổi tiếng: “Gan chi gan rứa, mẹ nờ?/ Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?”.
Thời gian trôi, con đò mẹ Suốt vẫn tiếp tục đưa đón cán bộ, bộ đội sang sông trong những ngày đánh Mỹ. Ghi nhận những chiến công to lớn của mẹ, ngày 1/1/1967, mẹ Nguyễn Thị Suốt đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, chỉ sau đó không lâu, vào ngày 11/10/1968, trong lúc làm nhiệm vụ, mẹ Suốt đã anh dũng hy sinh bởi một trận bom đạn của kẻ thù ngay trên mảnh đất Bảo Ninh quê mình.
Hình ảnh mẹ Suốt sống mãi trong lòng nhân dân Quảng Bình và nhân dân cả nước. Bến đò năm xưa nay đã trở thành di tích lịch sử tiêu biểu ở Quảng Bình trong thời kỳ chống Mỹ với tên gọi thân thương, kính trọng: Bến đò mẹ Suốt. Năm 1980, để tưởng nhớ và thể hiện sự cảm kích về một người mẹ anh hùng của quê hương, UBND thị xã Đồng Hới đã cho xây dựng tượng đài mẹ Suốt nằm giữa trung tâm của bến đò.
Đến năm 2003, vào dịp cả nước ta mừng lễ Quốc khánh 2/9, tượng đài mẹ Suốt và quần thể khu tưởng niệm được cắt băng khánh thành. Tượng cao 7m (tính cả bệ), mặt hướng ra sông Nhật Lệ, cách bến đò xưa hơn 50m. Đây là địa chỉ tham quan du lịch, nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân thành phố và du khách gần xa khi đến với Quảng Bình và bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm kích trước một người mẹ bình thường nhưng rất đỗi anh hùng.
“Thay da, đổi thịt”
Đã gần 50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), những dấu vết của cuộc chiến tranh ác liệt năm xưa chỉ còn hiện hữu đâu đó trong một vài phế tích còn sót lại. Ngồi bên tượng đài mẹ Suốt hôm nay, phóng tầm mắt về phía bán đảo Bảo Ninh quê mẹ, có thể thấy một sức sống mới đang về với mảnh đất này. Bảo Ninh hôm nay với hàng loạt các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị mọc lên san sát, vóc dáng của một đô thị mới khang trang, hiện đại đang dần hiện hữu. Quê mẹ đang đổi thay từng ngày!
Quả là vùng cát Bảo Ninh - quê hương của mẹ Suốt anh hùng đang từng ngày “thay da, đổi thịt”, phát triển thành đô thị đa chức năng, trong đó đặc biệt là du lịch, giải trí và nghỉ dưỡng. Trong tương lai gần, đô thị Bảo Ninh sẽ là hạt nhân, là động lực trong phát triển du lịch không chỉ riêng TP. Đồng Hới mà của cả tỉnh Quảng Bình.
Ngày nay, du khách đến Đồng Hới không thể bỏ qua địa điểm tham quan khu di tích tượng đài mẹ Suốt cạnh bờ sông Nhật Lệ. Gương mặt mẹ hướng về phía sông Nhật Lệ. Tượng đài Mẹ như một nhân chứng của lịch sử đau thương mà oai hùng, nhắc nhở thế hệ mai sau quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bền vững muôn đời.
Dẫn chúng tôi đi dọc đường Võ Nguyên Giáp rộng thênh thang chạy xuyên trung tâm xã Bảo Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh Lại Thanh Hòa phấn chấn cho biết, mấy năm qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng kinh tế - xã hội của xã vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2022, khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 10.923 tấn, đạt 99,3% kế hoạch năm. Thu nhập bình quân đầu người của xã là 5.000.000đ/tháng, xã không còn hộ nghèo. Tỷ lệ thu gom rác thải xử lý đạt 95 - 98% và 98% người dân dùng nước hợp vệ sinh. Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 2.400 tỷ đồng, vượt 1.224,9% kế hoạch thành phố giao.
Ông Lại Thanh Hòa cũng cho biết, trước đây, Bảo Ninh xác định ngành nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn, giờ xã chuyển hướng lấy phát triển du lịch là mũi nhọn, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản là ngành kinh tế quan trọng. Do đó, hiện dọc các tuyến đường Nhật Lệ, khu vực Quảng trường biển, các nhà hàng, quán ăn được đầu tư nâng cấp, xây mới phục vụ khách du lịch đến lưu trú. Nhờ vậy, giá trị các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ năm 2022 ước đạt 392 tỷ đồng, vượt 5,9 % kế hoạch năm, tăng 46,45 % so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, Bảo Ninh cũng rất quan tâm đến lĩnh vực xây dựng cơ bản, quy hoạch và quản lý đô thị. Năm 2022, UBND xã tiếp tục thực hiện xây dựng các công trình quan trọng như: Đường Nguyễn Thị Định, hệ thống đường nội bộ thôn Đồng Dương và Sa Động, nghĩa trang giai đoạn 3, cải tạo sửa chữa Trường THCS Bảo Ninh, đường giao thông và thoát nước thôn Hà Thôn, đường kè sạt lở thôn Trung Bính; Nâng cấp, xây dựng mới hệ thống điện chiếu sáng bằng đèn Led trên địa bàn xã, vườn hoa kiểu mẫu thôn Trung Bính. Đồng thời, xã cũng ra quân kiểm tra xử lý việc đổ chất thải xây dựng, chất thải sinh hoạt không đúng nơi quy định, đảm bảo môi trường sạch, đẹp.