Quay cuồng trong nắng nóng

03/07/2018 11:17

(TN&MT) - Nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua đã khiến nhiệt độ ngoài trời tăng cao ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ, phổ biến từ 37 - 39oC, có nơi lên đến 40oC. Bầu không khí oi nóng mang đến cảm giác bức bí, khó chịu, đặc biệt là đối với những người phải di chuyển ngoài trời.

nắng nóng
Ông Nguyễn Văn Hưởng

Trả lời phỏng vấn của Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT) khẳng định, nắng nóng gay gắt có thể kết thúc trong ngày 5/7 ở Bắc Bộ và ngày 6/7 ở ven biển Trung Bộ.

PV: Thưa ông, đợt nắng nóng lần này có biểu hiện gì bất thường không?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: So với nhiệt độ trung bình các năm trước, đợt nắng nóng lần này không bất thường và chưa ghi nhận thêm giá trị lịch sử nào. Nhiệt độ cao nhất chúng tôi ghi nhận được là ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 40.5oC. Tại khu vực Hà Nội, nhiệt độ cao nhất trong ngày đạt hơn 39oC, vẫn thấp hơn khoảng 3oC so với đợt nắng nóng lịch sử từ đầu tháng 6/2017.

Điểm khác biệt của đợt nóng lần này là thời gian nắng nóng trong ngày kéo dài, thời gian nhiệt độ cao trên 35oC duy trì từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày (10 giờ sáng - 19 giờ chiều), tăng gấp đôi so với các đợt nắng nóng trước (mức nhiệt cao chỉ duy trì từ 11 giờ sáng - 15 giờ chiều). Vì thế, cảm giác sẽ rất ngột ngạt và khó chịu.

Nắng nóng gay gắt trên 37oC sẽ còn kéo dài đến ngày 5/7 ở Đồng bằng Bắc Bộ. Dự báo đến khoảng ngày 7/7, tức là khoảng cuối tuần này, Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt mưa rào và dông trên diện rộng, thậm chí có khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to ở vùng núi phía Bắc. Nắng nóng sẽ giảm dần và có khả năng kết thúc. Với miền Trung, nắng nóng kết thúc muộn hơn và phải sau ngày 7/7, nắng nóng mới giảm dần.

Tuy vậy, chúng tôi lưu ý, sự thay đổi trạng thái từ nắng sang mưa, nóng sang lạnh sẽ gây xáo trộn rất mạnh các khối không khí và dễ dẫn đến mưa, giông, lốc, sét, thậm chí là mưa đá, tố lốc, vòi rồng. Đây là những hiện tượng thời tiết nguy hiểm mà người dân cũng như chính quyền các địa phương, nhất là ở các tỉnh vùng núi và trung du cần hết sức chú ý khi thời tiết nắng nóng kết thúc và chuyển sang trạng thái mát mẻ hơn.

nắng nóng gay gắt
Nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua phổ biến từ 37 - 39oC. Ảnh: Hoàng Minh

PV: Vừa mưa lũ kinh hoàng xong là tới nắng nóng đỉnh điểm, hiện tượng này nói lên điều gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Ngày 28/6, nắng nóng cục bộ xuất hiện ở phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ và khu vực vùng núi phía Tây miền Trung, tức là chỉ 2 ngày sau khi chấm dứt đợt mưa lũ diện rộng (từ ngày 24 - 26/6) tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Sự thay đổi liên tục từ mưa sang nắng cho thấy, các pha thời tiết hiện nay sẽ thay đổi rất nhanh, diễn biến thời tiết ngày càng khó lường. Đặc biệt, các hiện tượng cực đoan, xảy ra cục bộ sẽ ngày càng nhiều hơn.

Về đợt nắng nóng lần này, ngày 24/6, khi Bắc Bộ còn đang xảy ra mưa lớn, Trung tâm đã cảnh báo về một đợt nắng nóng diện rộng sắp xảy ra ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung trong những ngày cuối tháng 6. Đến sáng sớm ngày 28/6, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát chính thức tin nắng nóng, trong đó nhận định từ ngày 29/6 xảy ra nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung, từ ngày 30/6 nắng nóng gay gắt ở khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ.

Cụ thể, trong đợt nắng nóng kéo dài này, nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh Đồng Bằng Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội) phổ biến 37 - 39oC; nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh Trung Bộ phổ biến 38 - 40oC.

PV: Dự kiến trong năm 2018, Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ còn khoảng bao nhiêu đợt nắng nóng nữa, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Trung bình 1 năm, Bắc Bộ và miền Trung có khoảng 17 - 18 đợt nắng nóng, năm nhiều có thể lên tới trên 20 đợt nắng nóng, tuy vậy, dự báo số đợt nắng nóng không có nhiều ý nghĩa, vì cứ 2 ngày liên tiếp được tính là 1 đợt. Thực tế, miền Bắc có đợt kéo dài tới 15 ngày, xét theo tổng số ngày gấp 4 - 5 lần đợt ngắn.

Năm nay, chúng tôi dự báo các đợt nắng nóng sẽ không kéo dài. Mỗi đợt ở miền Bắc chỉ 4 - 6 ngày, ít khả năng xảy ra đợt dài 8 ngày. Ở miền Trung, mỗi đợt sẽ dài 6 - 8 ngày và đợt nắng nóng mà chúng ta đang trải qua có khả năng sẽ là đợt nắng nóng diện rộng, kéo dài và gay gắt nhất của năm 2018.

PV: Tính chất nguy hiểm của đợt nắng nóng này và mức tăng nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể chênh bao nhiêu so với dữ liệu đo khác nhau thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Nắng nóng được xếp là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm, nó ảnh hưởng tới sức khỏe của con người, cây trồng và vật nuôi, đợt nắng nóng mà chúng ta đang trải qua được nhận định có khả năng sẽ là đợt nắng nóng gay gắt nhất của năm 2018 và đây cũng có thể là đợt nắng nóng dài nhất của năm 2018, vì thế, người dân cần hết sức lưu ý tới vấn đề sức khỏe của người dân tại những vùng nắng nóng.

Còn về nhiệt độ đo trong lều khí tượng và nhiệt độ đo ngoài trời có thể chênh nhau bao nhiêu độ, điều này tùy thuộc vào điều kiện mặt đệm. Nếu đo trên mặt đường nhựa, đường bê tông, cạnh các vật dụng hấp thụ nóng như mái tôn, nhiệt độ có thể chênh so với nhiệt độ trong lều khí tượng tới cả chục độ, còn ở ngoài không khí so với trong lều khí tượng thì thường chênh khoảng 3 - 4oC.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quay cuồng trong nắng nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO