Bài chòi một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, hình thành và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, giao lưu văn hóa, đã có từ lâu ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa. Qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật Bài chòi đã thấm đẫm trong tâm hồn của nhiều thế hệ người dân Trung Bộ. Từ các làn điệu, lời ca bình dị ngọt ngào, gần gũi với đời sống của nhân dân lao động, Bài chòi đã đi vào lòng người, trở thành món ăn tinh thần trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân.
Là một loại hình văn hóa phi vật thể có tính sáng tạo, nghệ thuật diễn xướng mang tính ngẫu hứng vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất văn học… Bài chòi mang đậm tính giáo dục về nhân cách, lối sống, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp, được tầng lớp nhân dân mến yêu gìn giữ và phát triển. Sự đa dạng, phong phú đó đã đưa nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trở thành di sản văn hóa vật thể đại diện của nhân loại.
Chương trình diễn ra đã thu hút đông đảo người dân trên địa bàn đến xem và thưởng thức. Sau tiếng trống khai hội, các tiết mục hoạt cảnh dân ca và tiết mục âm hưởng dân ca được kết nối không ngừng qua phần biểu diễn của các nghệ sỹ trên sân khấu. Những lời ca, tiếng hát, điệu hò chân thành, mộc mạc, giản dị gắn với làng quê, những danh nhân kiệt xuất, những con người chân chất say mê lao động sống sau lũy tre làng đã mang người xem về với nguồn cội quê hương, đất nước... Cũng tại chương trình, sau các tiết mục biểu diễn, đông đảo lãnh đạo tỉnh cùng với bà con nhân dân trên địa bàn đã tham gia chơi bài chòi.
Xác định tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi, phát biểu tại chương trình, ông Mai Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục nhận diện các giá trị để có phương án nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của di sản theo “Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam”.
Tiếp tục khôi phục lại các câu lạc bộ Bài chòi, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng; mở rộng các hình thức sinh hoạt mới phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống đương đại; tôn vinh các cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; xây dựng chương trình, kế hoạch quảng bá, từng bước đưa giá trị văn hóa Bài chòi thành sản phẩm chính phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…