Xã hội

Quảng Trị: Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế khu vực miền núi

Thanh Tùng 14/08/2023 - 14:12

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, bộ mặt nhiều xã vùng sâu, vùng xa được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là người nghèo không ngừng được nâng cao.

Chú trọng đầu tư

Thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong giai đoạn 1 (2021 - 2025) kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỉ đồng để thực hiện 6 dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

anh-1.jpg
Bà con Bru Vân Kiều huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị học kỹ thuật trồng cây cà phê

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Trị ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số nên cơ sở hạ tầng các xã miền núi từng bước được đầu tư cải thiện, chính sách an sinh xã hội đảm bảo, chương trình giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao hơn trước.

Cụ thể, toàn vùng có 100% xã, thôn, bản có điện lưới quốc gia với 98,7% hộ sử dụng điện; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 77% thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường THCS; tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 95%, bậc THCS đạt 96%; tỉ lệ nghèo trong vùng giai đoạn 2016-2020 giảm từ 41,65% xuống 25,05%.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống của người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2022, tỉ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị là 49,51% (áp dụng chuẩn nghèo mới theo Nghị định 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ), cao hơn nhiều so với tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 10,44%.

Mặt khác, sản xuất hàng hóa có quy mô nhỏ, manh mún với đơn vị sản xuất chính vẫn là hộ gia đình; chưa xây dựng được các chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả; chất lượng môi trường có xu hướng giảm đi kèm với quá trình biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển bền vững. Khả năng phát triển bằng nội lực của người dân tộc thiểu số còn hạn chế; một số tập quán văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị xói mòn trong khi có những tệ nạn mới như ma túy có xu hướng diễn biến phức tạp trong cộng đồng.

Ưu tiên vốn cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất

Quảng Trị là tỉnh nằm ở phía Bắc miền Trung, điểm khởi đầu trên con đường Xuyên Á nối Việt Nam với các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây. Tỉnh có lịch sử hào hùng trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước. Mảnh đất kiên cường và anh dũng này đã chứng kiến cuộc chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam và sự hy sinh anh dũng của bao người con ưu tú đã ngã xuống cho hòa bình của đất nước.

Kinh tế - xã hội của Quảng Trị hôm nay đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng nhìn chung còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung cả nước. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cho thấy, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo) trên địa bàn tỉnh là 14,93%. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo gồm 26.961 hộ, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo: 9,14% (16.512 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo 5,79% (10.449 hộ).

Riêng huyện nghèo Đakrông, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 là 43,69% (5.175 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo 9,76% (1.156 hộ). Tỷ lệ nghèo đa chiều xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển là 13,70%; tổng số hộ nghèo, cận nghèo là 570 hộ. Tỷ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số so với hộ dân tộc thiểu số 67,55%; tổng số hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số là 14.454 hộ. Việc xác định rõ tỷ lệ nghèo là cơ sở để tỉnh Quảng Trị thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, các chính sách kinh tế - xã hội khác năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

anh-2.jpg
Niềm vui của người dân thôn Amor, xã A xing, huyện Hướng Hóa khi được hỗ trợ nước sạch. Ảnh: ĐT

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,0 - 1,5% tương ứng giảm 1.950 - 1.980 hộ nghèo. Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Quảng Trị giao giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tập trung ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo không có khả năng lao động, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH theo quy định.

Đồng thời, Quảng Trị sẽ triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đa dạng hóa các nguồn vốn để triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, đặc biệt là huy động nguồn lực trên địa bàn, nguồn lực của chính người nghèo, khai thác những tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn hướng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp thực hiện công tác giảm nghèo giữa ngành LĐ-TB&XH với các tổ chức Đoàn thể nhân dân.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành 2 nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn cho các đơn vị, địa phương và quy định về cơ chế huy động, lồng ghép vốn trong thực hiện chương trình; UBND tỉnh và UBND các huyện ban hành kế hoạch thực hiện, kế hoạch bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương 5 năm giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; quyết định phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỉnh Quảng Trị xác định, để phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài nên các địa phương cần rà soát, nghiên cứu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững chứ không nên chạy đua dự án để giải tỏa áp lực giải ngân vốn đã bố trí. Nguồn vốn cần được ưu tiên cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất với quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của chương trình để không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư cũng như đối tượng thụ hưởng.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 313,6 nghìn ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh; dân số hơn 192,2 nghìn người, trong đó, dân tộc thiểu số gần 95 nghìn người, chiếm 13,3% dân số toàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế khu vực miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO