Quảng Trị: Khai thác cát, sỏi bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Văn Dinh (thực hiện)| 14/03/2023 10:27

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện nhiều giải pháp trong quản lý và khai thác cát, sỏi lòng sông, qua đó hạn chế tình trạng khai thác trái phép, đáp ứng nhu cầu làm vật liệu xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Khoa - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị.

PV: Xin ông cho biết, tình hình quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên cát tại địa phương đang diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Trường Khoa:
Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt hiện trên địa bàn có 50 khu vực thuộc 38 điểm mỏ cát, sỏi thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020; 13 điểm mỏ cát, sỏi thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021- 2030; với tổng trữ lượng 14.611.130m3. UBND tỉnh cũng đã bổ sung quy hoạch 3 mỏ cát, sỏi và điều chỉnh 2 mỏ cát, sỏi ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản.

a-khoa-1-.jpg
ông Nguyễn Trường Khoa - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng T

Công tác thẩm định cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật về khoáng sản và Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các khu vực cấp phép đều nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản; không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; các đơn vị hoạt động khoáng sản đảm bảo năng lực trong hoạt động khoáng sản, tổ chức đầu tư thăm dò và được cấp có thẩm quyền phê duyệt khoáng sản. Trước khi trình UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, khu vực cấp phép phải được sự đồng thuận của nhân dân, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Trong quá trình hoạt động, các đơn vị đã chấp hành các quy định của giấy phép khai thác khoáng sản và quy định của pháp luật về khoáng sản như khai thác trong diện tích được cấp phép, bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ, giám sát môi trường định kỳ, báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản, có phương án cải tạo, phục hồi môi trường, trong đó có phương án phòng chống sạt lở. Đồng thời, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều đợt truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép, qua đó hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ngày càng giảm.

PV: Việc khai thác cát, sỏi đã và đang góp phần đáp ứng nhu cầu làm vật liệu xây dựng ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Khoa:

Có thể khẳng định rằng, hoạt động khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường đã và đang góp phần rất quan trọng trong việc cung cấp nguyên vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh và các khu vực lân cận như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các công trình thi công đúng tiến độ nhất là các dự án trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Các doanh nghiệp tạo được mối quan hệ tốt với địa phương, giải quyết việc làm cho lao động, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng.

cat-3.jpg
Nguồn cát ở Quảng Trị không chỉ cung cấp trong mà cả ngoài tỉnh.

Theo báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản, năm 2022, các đơn vị khai thác cát, sỏi ở địa bàn tỉnh đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 2,3 tỷ đồng, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền 706 triệu đồng, ký quỹ phục hồi môi trường với tổng số tiền 815 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Tuy nhiên, có một số mỏ cát, sỏi được cấp phép ở vị trí không thuận lợi, xa trung tâm, đường vận chuyển khó khăn nên giá thành vận chuyển cao cũng gây khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu vật liệu cát, sỏi cho các công trình...

PV: Thời gian tới, tỉnh có những giải pháp nào để khai thác bền vững nguồn cát, sỏi làm vật liệu xây dựng?

Ông Nguyễn Trường Khoa:

Nhằm phát huy tốt các hiệu quả đạt được trong công tác quản lý khai thác hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và cát, sỏi lòng sông nói riêng, thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý khai thác cát, sỏi đến người dân. Tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khoáng sản, nhất là các khu vực lòng sông giáp ranh giữa các địa phương.

Phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp ranh trong việc quản lý khoáng sản nói chung và khai thác cát, sỏi lòng sông nói riêng; xử lý nghiêm các tụ điểm khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép; kiểm soát chặt chẽ các bến bãi tập kết cát và vật liệu xây dựng trên địa bàn. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản các cấp.

Hiện nay, Quảng Trị có 13 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng thông thường do UBND tỉnh cấp phép đang còn hiệu lực hoạt động, với công suất cấp phép 292.000m3/năm. Theo báo cáo của các đơn vị, sản lượng thực tế khai thác hằng năm khoảng 100.000m3/năm.

UBND tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ ban hành một số quy định riêng về việc cấp phép khai thác đối với những mỏ khoáng sản cát, sỏi có quy mô nhỏ; về bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản để tránh chồng chéo quy định giữa lĩnh vực Khoáng sản và lĩnh vực Bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1855/QĐ-UBND ngày 06/7/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Triển khai hoàn thành đề án “Tăng cường năng lực quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” làm cơ sở triển khai thực hiện.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Khai thác cát, sỏi bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO