Theo ông Hà Sỹ Đồng, mặc dù địa phương đã rất quyết liệt, dùng nhiều biện pháp nhưng tình hình lây lan của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp trên diện rộng. Tuy giải thể các chốt chặn, nhưng tỉnh vẫn cho các lực lượng chức năng túc trực tại các điểm thường hay vận chuyển lợn và các sản phẩm từ động vật để kiểm soát.
“Tỉnh tạm dừng kiểm soát trên các tuyến Quốc lộ và đưa về kiểm soát tại các đường làng ngõ xóm, vệ sinh dịch tễ, đẩy nhanh tiến độ khoanh vùng để dập dịch. Tăng cường cho các địa bàn trọng điểm, quan trọng, không tập trung trên các tuyến đường như vậy tránh lãng phí, hiệu quả không cao bằng đưa cán bộ, lực lượng chức năng về địa bàn để nắm chắc địa bàn, cùng với nhân dân triển khai khoanh dịch, xử lý các ổ dịch” - Ông Đồng nói.
Tại các vùng có mật độ chăn nuôi cao như huyện Hải Lăng và Triệu Phong (Quảng Trị), trung bình mỗi ngày phải tiêu hủy từ 200- 300 con lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi. Đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, có điều kiện an toàn sinh học tốt hơn nhưng dịch tả lợn vẫn lây lan tới.
Tại các huyện miền núi, tình trạng chăn nuôi lợn thả rông rất phổ biến càng có nguy cơ cao lây lan dịch tả lợn châu Phi. Khi lợn nhiễm bệnh nhiều hộ không báo cáo với chính quyền và cơ quan thú y mà tự ý giết mổ để làm thịt. Một số trường hợp lợn bị lây nhiễm do dùng thức ăn dư thừa của các hộ bị dịch đã tiêu hủy lợn, số thức ăn thừa được trả về đại lý nhưng không tiêu độc khử trùng trước khi bán lại.
Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, ngành nông nghiệp đã cấp phát gần 9.500 tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch tả lợn châu Phi cho người dân. Triển khai các biện pháp tiêu hủy lợn dịch theo quy định và làm các thủ tục lấy mẫu, kê khai thiệt hại để đền bù. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã lấy gần 400 mẫu đàn lợn bị bệnh, kiểm dịch vận chuyển hơn 160.000 con lợn, kiểm soát giết mổ hơn 71.000 con lợn thịt. Theo ông Trần Thanh Hiền, vẫn còn một số địa phương xử lý tiêu hủy lợn bệnh không xử lý tiêu hủy lợn bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn dẫn đến xử lý còn chậm so với yêu cầu cấp bách hiện nay.
“Quy định lấy mẫu theo xác suất chứ không phải lấy 100% rồi gửi 1 mẫu đi xét nghiệm. Trước khi tiêu hủy đàn lợn đã xác định dương tính với bệnh thì chắc chắn phải lập biên bản mới tiêu hủy. Trạm thú y, chính quyền xã, cơ quan chuyên mô của xã, thôn, hộ có lợn bị tiêu hủy đều ký vào biên bản có ngày tháng. Khi hỗ trợ cho người dân thì thực hiện theo chính sách quy định của Trung ương” - ông Hiền nói.
Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan nhanh với phạm vi rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đã có hơn hơn 7.500 con lợn của gần 1.500 hộ chăn nuôi lợn thuộc 50 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh phải tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi.