Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy nhấn mạnh, đây là Nghị định quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ của nhiều sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và các địa phương có biển. Vì vậy, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cần nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các nội dung tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP để về vận dụng, triển khai thực hiện một cách hiệu quả, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Quang cảnh hội nghị |
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của Nghị định số 11, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tiến sỹ Tạ Đình Thi cho biết, công tác quản lý biển, hải đảo có tính đặc thù, biển là không gian chung, quản lý tổng hợp dựa trên hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Vì vậy, cần có sự phối hợp liên ngành, liên vùng, các cấp, ngành, địa phương một cách chặt chẽ, hiệu quả. Đồng thời, Quảng Ninh cũng như các địa phương khác cần đẩy nhanh việc lập cơ sở dư liệu về biển, môi trường biển, đây là nền tảng quan trọng giúp cho công tác quản lý các hoạt động liên quan đến biển, hải đảo.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam quán triệt, triển khai Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021. Theo đó, Nghị định số 11/2021/NĐ-CP được thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, Cao Tường Huy phát biểu khai mạc hội nghị |
Nghị định số 11/2021/NĐ-CP gồm 5 chương và 45 điều, với một số nội dung mới, như: Tất cả các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển của các tổ chức, cá nhân có phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra đến hết các vùng biển Việt Nam theo văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định (trừ việc sử dụng khu vực biển vào mục đích quốc phòng, an ninh không thuộc phạm vi điều chỉnh); Nghị định quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý của đất liền và đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo.
Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tiến sỹ Tạ Đình Thi phát biểu tại hội nghị |
Nghị định số 11 cũng quy định rõ thẩm quyền giao, công nhận, cho phép trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển; thu hồi khu vực biển của cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, UBND cấp tỉnh có biển quyết định giao khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 6 hải lý từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền và các đảo theo quy định, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường. UBND cấp huyện có biển chỉ quyết định giao khu vực biển cho cá nhân Việt Nam có hồ sơ đăng ký khi cá nhân đó phải chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản được UBND cấp xã nơi thường trú xác nhận…
Hội nghị là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có thể nắm bắt, tìm hiểu những vấn đề mới; cũng như trao đổi về những vướng mắc khi triển khai Nghị định vào thực tiễn.