Theo đó, thời gian qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh thường xuyên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.
Tuy nhiên, việc xử lý đối với các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật hiện nay chưa cương quyết; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, đầu tư của một số chính quyền địa phương cấp huyện và một số sở, ngành còn nhiều hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm, nhất là trong công tác quản lý đất có mặt nước ven biển (bao gồm cả đất lấn biển), đất nuôi trồng thủy sản, đất bãi triều ven sông, đất rừng, đất có hoạt động khoáng sản...
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ rõ về kỷ luật, kỷ cương ở một số địa phương vẫn còn chưa nghiêm, chưa quyết liệt thực hiện các chế tài xử lý các hành vi vi phạm, còn tình trạng một số chủ đầu tư dự án vẫn có tư tưởng đầu cơ giữ đất, chờ thời để trục lợi, tình trạng đất bị bỏ hoang, lãng phí nguồn lực đất đai, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước...
Với mục tiêu bảo đảm môi trường đầu tư lành mạnh, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; không để đất hoang hóa, lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm"...Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành có liên quan tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Đối với các sở, ban, ngành và UBND các địa phương, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tăng cường công tác quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, đầu tư. Có giải pháp bảo đảm đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Thực hiện rà soát tổng thể, phân tích kỹ lưỡng thực trạng và phân loại, làm rõ các vướng mắc, vi phạm đối với từng dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật, từ đó đề xuất hướng xử lý cụ thể, kiên quyết đối với từng hành vi vi phạm bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Quá trình rà soát cần tập trung vào các dự án: Chậm tiến độ 2 từ 5 năm trở lên; Đã có chủ trương cho phép nghiên cứu, lập quy hoạch nay quá hạn; Đã lựa chọn nhà đầu tư và đã được giao đất nhưng chưa thực hiện, chưa có hoạt động đầu tư xây dựng; Chưa có thủ tục pháp lý nhưng đã triển khai thực hiện, tác động vào đất, vào rừng, có hoạt động mua bán, góp vốn đầu tư, kinh doanh... trái quy định của pháp luật tại các khu vực mặt nước biển, đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp, đất tại các tuyến đường ven đô... (nếu có); Đã được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh cho chủ trương nhưng đến nay thực hiện chậm tiến độ, vi phạm pháp luật (về đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường...).
Đối với các dự án chậm tiến độ được gia hạn thời gian thực hiện, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần; Cần làm rõ thực trạng từng dự án, yếu tố chủ quan, khách quan trọng từng lần gia hạn dự án, điều chỉnh quy hoạch.
Đối với các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật chưa hoặc chậm chễ xử lý vi phạm: Cần xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổng hợp cập nhật việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được ngành tài nguyên môi trường, các Sở, ban, ngành và UBND các địa phương thực hiện đối với các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật theo 2 giai đoạn từ tháng 01/2017 đến hết tháng 7/2021; từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.
Trong quá trình thực hiện phải bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiến hành kiểm tra, thanh tra ngay một số vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, có biện pháp kết hợp giữa giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các hoạt động bảo vệ pháp luật, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.