Xã hội

Quảng Ninh: Sinh kế dưới tán rừng ngập mặn

Phạm Hoạch 29/02/2024 15:51

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng việc trồng, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển, sông. Bởi lẽ, đây là rừng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, ứng phó trước biến đổi khí hậu và đem lại lợi ích về sinh kế bền vững cho người dân vùng cửa sông, ven biển ở các địa phương trên địa bàn.

Phát triển rừng ngập mặn

Hiện, tỉnh Quảng Ninh có 19.300ha rừng ngập mặn phân bố rộng tại vùng cửa sông, ven biển ở nhiều địa phương như: Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Quảng Yên. Trong đó diện tích rừng ngập mặn phòng hộ gần 16.000ha, còn lại là rừng ngập mặn sản xuất và rừng ngập mặn đặc dụng.

Để có được kết quả trên, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó bao gồm rừng ngập mặn, gắn với quy hoạch, định hướng phát triển KT-XH của địa phương. Trong đó, luôn chú trọng việc duy trì trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông bằng công nghệ mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả rừng trồng mới, bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái rừng ngập mặn. Từ những cánh rừng ngập mặn trù phú này, là ngôi nhà sinh trưởng, phát triển của các loại thuỷ hải sản, người dân cũng nhờ đó mà khai thác để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

anh-qn-01.jpg
Bà con nông dân xã Quảng Phong, huyện Hải Hà trồng cây bổ sung vào rừng ngập mặn tự nhiên

Với gần 100ha rừng ngập mặn trồng mới tại thôn 1, xã Hải Tiến, TP.Móng Cái nằm trong dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển mà tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ năm 2020 đến nay. So với trước đây, cách tổ chức thực hiện dự án này có nhiều đổi mới, theo hướng người dân ở tại địa phương là người trực tiếp thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ cây thay vì giao cho các đơn vị trung gian.

Mỗi ha rừng ngập mặn ở Hải Tiến đầu tư từ khi trồng cho đến lúc thành rừng thường là từ 220 đến 300 triệu đồng, gấp 3 lần trồng rừng trên cạn. Toàn bộ chi phí này được tính cho những người dân tham gia hoạt động trồng rừng. Như vậy, ngay từ khi dự án trồng rừng ngập mặn bắt đầu, người dân thôn 1 xã Hải Tiến đã được hưởng lợi về việc làm, ngày công, qua đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Còn tại huyện Hải Hà đang duy trì trên 1.450ha rừng ngập mặn, chủ yếu tập trung tại các xã Quảng Phong, Đường Hoa, Quảng Minh, Quảng Thành. Trong đó, có hơn 1.300ha rừng tự nhiên với các loài cây mắm, sú, trang, đước vòi, vẹt với chiều cao từ trên 1m. Để bảo vệ, quản lý chặt chẽ những cánh rừng, huyện Hải Hà tiến hành rà soát chặt chẽ các dự án sử dụng đất có rừng ngập mặn, thực hiện chủ trương không giao đất bãi triều, đất mặt nước có cây ngập mặn để đắp đầm, khoanh vùng nuôi trồng thủy sản gây ảnh hưởng tới rừng ngập mặn. Đồng thời, các xã, thị trấn ven biển thường xuyên kiểm tra hoạt động đào, đắp đầm của các hộ gia đình được giao đất nuôi trồng thủy sản, đảm bảo không xâm hại tới diện tích rừng ngập mặn xung quanh.

Thực hiện đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030”, trong năm 2023, Hải Hà đã trồng phục hồi, trồng mới được gần 60ha. Qua đó đã góp phần ổn định cấu trúc rừng, ổn định hệ sinh thái rừng ngập mặn, tăng khả năng ứng phó với BĐKH, tạo ra sinh kế bền vững cho người dân nhờ đánh bắt thủy hải sản dưới những tán rừng ngập mặn.

Tạo sinh kế dưới tán rừng ngập mặn

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Như Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Những năm qua, tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện cải tạo hành lang sinh thái ven biển, tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển và điều tra tài nguyên biển, qua đó góp phần nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, cũng như tạo ra việc làm và thu nhập dưới những tán rừng ngập mặn đối với người dân vùng ven biển, cửa sông.

Thực tế cho thấy, dưới các tán rừng ngập mặn có nhiều loại hải sản tự nhiên như: Ngán, cua, tôm, ngao, sá sùng, sâu đất, trong đó ngán, sá sùng được coi là loại thủy sản đặc hữu có giá trịnh kinh tế cao của Quảng Ninh, phát triển mạnh ở những diện tích bãi bồi có rừng ngập mặn. Tại nhiều địa phương ven biển, từ các cánh rừng ngập mặn, người dân có thể kết hợp để khai thác, nuôi trồng thủy sản, trong đó hiệu quả nhất là nuôi tôm quảng canh, nuôi thả hà treo dây cho thu nhập ổn định, giúp người dân vươn lên làm giàu.

anh-qn-02.jpg
Người dân xã Hoàng Tân, TX.Quảng Yên thu hoạch hà cồn bên những cánh rừng ngập mặn

Với trên 600ha đất bãi triều, ven biển, dưới những tán rừng ngập mặn của xã Hoàng Tân, TX.Quảng Yên là nơi sinh trưởng lý tưởng của nhiều loại hải sản, trong đó có những loại có giá trị kinh tế cao như ngán, sò, tôm, cua. Đây là nguồn lợi thủy sản giúp cho nhiều người dân ở địa phương có thêm việc làm và có nguồn thu nhập, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Anh Nguyễn Văn Dinh, là người nuôi hà treo dây tại xã Hoàng Tân chia sẻ: Để nuôi trồng thủy sản với các loại như tôm, cá, hà treo dây cần phải bảo vệ những cánh rừng ngập mặn, đây như là những bức tường xanh bảo vệ người dân và ao, đầm thủy sản trước sóng, gió bão, rừng ngập mặn còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân ở địa phương.

Huyện Đầm Hà, có tới 4 xã Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập và Đại Bình giáp biển với tổng diện tích rừng ngập mặn gần 2.600ha rừng ngập mặn. Vì vậy, việc quản lý rừng ngập mặn có cả vai trò của Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện và UBND các xã trong việc tuyên tuyền, vận động người dân tích cực tham gia trồng, bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ nguồn thu nhập từ việc đánh bắt tôm, cá, ốc dưới những tán rừng.

Ông Phạm Văn Thuật, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Đầm Hà cho biết: Hiện đơn vị quản lý hơn 900 ha rừng ngập mặn phòng hộ nằm trên địa bàn 4 xã ven biển. Diện tích rừng phòng hộ được bảo vệ, chăm sóc và duy trì ổn định, đồng thời huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân đảm bảo khai thác thủy hải sản với bảo tồn, không làm tổn hại đến hệ sinh thái của rừng ngập mặn ven biển.

Trồng và bảo vệ rừng ngập mặn được xác định là một trong những giải pháp tối ưu để thích ứng và hạn chế tác động của thiên tai, vừa bảo tồn đa dạng sinh học, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển ở Quảng Ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Sinh kế dưới tán rừng ngập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO