Xã hội

Quảng Ninh: Phát triển du lịch cộng đồng nâng cao đời sống đồng bào dân tộc

Phạm Hoạch 21/05/2024 14:11

(TN&MT) - Thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tại Quảng Ninh luôn nỗ lực chung tay, tạo dựng môi trường xanh, phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở miền núi, hải đảo.

Ngành du lịch Quảng Ninh đã phát huy tối đa tiềm năng sẵn có về tự nhiên, văn hóa và con người để tạo ra sản phẩm du lịch xanh, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

anh-dl-01.jpg
Du khách thích thú khi được trải nghiệm chèo thuyền tại khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm, xã Kỳ Thượng, TP.Hạ Long

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xuất hiện nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái ở các đại phương như Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái. Trong đó nổi bật là Hợp tác xã dịch vụ du lịch chèo thuyền đưa du khách đi tham quan các làng chài, khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm, tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP.Hạ Long, hay khu du lịch cộng đồng ở làng quê Yên Đức, tại TX.Đông Triều mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Với những mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái đi vào hoạt động trong thời gian qua đã góp phần phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng tram lao động, góp phần giảm nghèo bền vững cho địa phương.

Là huyện miền núi, biên giới, Bình Liêu được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu đặc trưng ôn hòa, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đặc biệt là những rừng hồi, quế, sở xanh ngút tầm mắt, những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín thu hút du khách đến trải nghiệm. Trên địa bàn huyện còn có nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử thu hút đông đảo du khách đến khám phá như thác Khe Vằn, bãi đá thần - núi Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm, thác Khe Tiền, Sông Moóc.

Nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú ngày càng tăng của du khách, hiện nay huyện Bình Liêu đang khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư, phát triển các cơ sở lưu trú. Đến nay, trên địa bàn huyện đang có nhiều khách sạn và hàng chục homestay, với trên 300 buồng, phòng, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho hơn 1.000 du khách.

Ông Hoàng Ngọc Ngò - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: Huyện đang quyết tâm xây dựng Bình Liêu trở thành một trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của tỉnh Quảng Ninh. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động bền vững gắn với giảm nghèo nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trụ cột của địa phương trong thời gian tới.

Nhằm hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bền vững, huyện Bình Liêu đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, nhất là Sở TN&MT trong công tác tuyên truyền vận động người dân, du khách bảo vệ môi trường, tránh gây những tác động tiêu cực tới môi trường du lịch, cũng như phối hợp hướng dẫn quản lý, sử dụng đất cho các dự án phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Đồng thời, triển khai, giám sát các chương trình và hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên, xây dựng các phương án bảo vệ tài nguyên môi trường, phương án xử lý nước thải, chất thải từ hoạt động du lịch theo đúng quy định của pháp luật.

Còn tại TP.Hạ Long, những năm qua, địa phương đã phát huy lợi thế cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hệ thống sông, suối, thác nước ở khu vực vùng cao phía Bắc của địa phương khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư xây dựng mô hình du lịch xanh, bền vững như: Thiên đường hoa Quảng La, Man’s farm, Am Váp Farm, Happy Land.

anh-dl-02.jpg
Mùa vàng tại huyện miền núi biên giới Bình Liêu thu hút nhiều khách du lịch đến trải nghiệm

Xã vùng cao Kỳ Thượng, tại TP.Hạ Long là nơi có tài nguyên du lịch tự nhiên, với nhiều dãy núi cao, hệ thống sông, hồ, suối, thác nước, nằm giữa rừng xanh bạt ngàn. Đây cũng là một trong những điểm đến yêu thích của du khách bởi khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, không khí trong lành, mát mẻ. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nơi đây cũng được khai thác cùng với giá trị sinh thái, trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo.

Khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm được thiết kế nhà sàn bằng gỗ cùng khuôn viên rộng gần 2.000 m2, đi kèm các dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi. Anh Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm cho biết: Khách đến đây rất thích tận hưởng bầu không khí trong lành tại Kỳ Thượng, được chèo thuyền và ngắm núi rừng hùng vĩ. Sau khi đắm mình vào thiên nhiên, du khách được chào đón bởi chính những người dân trong trang phục dân tộc Dao truyền thống, được tham quan nhà cộng đồng là nơi trưng bày trang phục, nông cụ sản xuất, nghe giới thiệu về văn hóa bản địa và xem, học thêu thổ cẩm, cũng như thưởng thức các món ăn truyền thống của địa phương.

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn của Quảng Ninh, trong đó đẩy mạnh khai thác du lịch sinh thái cộng đồng gần gũi với thiên nhiên tươi đẹp của các địa phương, nhất là ở các xã vùng cao, hải đảo đã tạo ra việc làm, thu nhập bền vững cho hàng nghìn lao động, trong đó có đông đảo bà con vùng DTTS, góp phần đưa Quảng Ninh về đích trước 3 năm Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Phát triển du lịch cộng đồng nâng cao đời sống đồng bào dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO