Xã hội

Quảng Ninh: Phát huy nguồn lực đất đai tạo sinh kế cho đồng bào DTTS

Phạm Hoạch 15/03/2024 - 14:53

(TN&MT) - Cùng với việc ưu tiên bố trí nguồn lực lớn, tỉnh Quảng Ninh cũng đã triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi cho hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo ở xã, thôn, bản vùng cao, góp phần nâng cao nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân tại địa bàn khó khăn được nâng lên, nhiều hộ dân đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Động lực từ cơ chế chính sách

Quảng Ninh hiện có 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Với đặc thù về địa lý, nên việc phát triển kinh tế, thu nhập và việc làm của phần lớn người dân, nhất là bà con sinh sống ở khu vực này, chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong những năm qua, Quảng Ninh ưu tiên dành nguồn lực và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS phát huy nguồn lực từ đất đai vườn đồi để phát triển chăn nuôi, trồng rừng, tạo sinh kế, ổn định cuộc sống. Thông qua đó, giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững và từng bước làm giàu.

Ngay từ cuối năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết "Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Đây là một trong những nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong nước về phát triển lâm nghiệp bền vững. Nghị quyết đặt mục tiêu trong năm 2022 và 2023, mỗi năm trồng mới ít nhất 2.000ha cây lim, giổi, lát bản địa ở những nơi có điều kiện trên địa bàn tỉnh.

anh-qn-13.jpg
Cây dược liệu được người dân các xã vùng cao huyện Ba Chẽ trồng nhân rộng, cho thu nhập ổn định.

Đây cũng là Nghị quyết đầu tiên của tỉnh chuyên về phát triển, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững, phát huy giá trị nguồn lực đất đai tại các huyện vùng cao, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Cùng với với mục tiêu Nghị quyết đề ra, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tạo nguồn lực cho các chủ rừng chuyển từ cây trồng ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng rừng gỗ lớn, kết hợp cây dược liệu theo hướng gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất trồng rừng.

Sau hơn 2 năm triển khai thí điểm tại TP.Hạ Long và huyện Ba Chẽ, đã có trên 1.000 hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ hơn 34 tỷ đồng để trồng mới trên 1.656 ha rừng gỗ lớn. Đến nay, tổng diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 9.460ha, trong đó có hơn 631ha lim, dổi, lát.

Đặc biệt, từ tháng 3/2021, thực hiện Nghị quyết số 337 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, các hộ đăng ký trồng rừng gỗ lớn được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống (tối đa 15 triệu đồng/ha) và hỗ trợ vay vốn sản xuất. Chính sách này đã tạo động lực để nhiều hộ dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở các huyện vùng cao tích chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, phủ xanh những vùng đất trống, đồi núi trọc.

Bên cạnh đó, tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Ninh bố trí trên 240 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh, thực hiện cho vay tại 67 xã, thị trấn. Hiện nay, toàn tỉnh đã có hơn 3.400 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn, với số tiền trên 258 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Cùng với phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những định hướng đối với các huyện vùng cao phát huy lợi thế đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, phát triển liên kết các vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, có giá trị kinh tế cao.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương này, tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án giao đất giao rừng trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, tổng diện tích rừng, đất rừng đã được UBND cấp huyện giao, cho thuê trên 139.000ha, với hơn 34.000 hộ tập trung tại các huyện miền núi. Đây là hướng đi mới vừa phát huy lợi thế đất đai, trồng rừng gỗ lớn kết hợp cây dược liệu bản địa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con vùng DTTS taị các huyện miền núi.

anh-qn-12.jpg
Mô hình chăn nuôi ngựa đang được bà con DTTS xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa nghèo bền vững

Trong những năm gần đây, huyện miền núi Bình Liêu đã khuyến khích, vận động người dân, nhất là đồng bào vùng DTTS khai thác tiềm năng, lợi thế về nguồn lực đất đồi núi của địa phương, phát triển nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, phù hợp từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở địa phương. Từ nguồn lực đầu tư của các chương trình MTQG, huyện Bình Liêu đã mở được hàng chục lớp nghề cho hàng trăm lao động nông thôn, kết nối cho hơn 700 lao động tiếp cận cơ hội làm việc tại ngành than và nhiều doanh nghiệp khác. Đồng thời, kết nối cho trên 800 hộ dân vay trên 57 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình anh Tằng Dảu Phồng, thôn Sông Moóc, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, chia sẻ: Nhờ được vay vốn từ chương trình nông thôn mới và được cán bộ xã hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp phòng chống dịch bệnh, tận dụng vườn đồi nhiều cỏ, gia đình đã xây chuồng, chăn thả 20 con dê. Sau một thời gian đàn dê phát triển tốt, sinh sản dê con, cho thu nhập ổn định, thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục nhân giống để mở rộng số lượng đàn dê, cũng như vận động, hỗ trợ về con giống cho bà con trong thôn cùng phát triển chăn nuôi, nâng cao đời sống.

Còn tại các xã vùng cao của TP.Hạ Long ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn, kết hợp dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào vùng DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ với PV, anh Triệu Tiến Lộc, thôn Bàng Anh, xã Tân Dân, TP.Hạ Long cho biết: Hiện gia đình đang có 30ha rừng, trong đó có 9ha rừng lim xanh hàng chục năm tuổi có giá trị kinh tế cao. Những năm qua, được sự hỗ trợ của chính quyền, cùng nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, gia đình triển khai việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng như ba kích, trà hoa vàng, sâm cát cho thu nhập ổn định do vậy gia đình vẫn đảm bảo được nguồn thu trang trải cuộc sống hàng ngày.

Với những chính sách đúng và phù hợp, cũng như triển khai nguồn lực lớn khơi thông tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương đã tạo sinh kế bền vững cho vùng đồng bào DTTS ở miền núi, biên giới và hải đảo trên đia bàn. Qua đó, xóa bỏ rào cản chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo và hướng đến phát triển bền vững mà tỉnh Quảng Ninh đang hướng tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Phát huy nguồn lực đất đai tạo sinh kế cho đồng bào DTTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO