Khơi dậy tiềm lực đất đai
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội luôn là mục tiêu mà tỉnh Quảng Ninh đặt ra trong những năm qua. Đây cũng là động lực để đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất bà con dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện miền núi như: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên…
Bình Liêu là một trong những địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa nhất của tỉnh Quảng Ninh với tỷ lệ người dân là đồng bào DTTS chiếm trên 96% dân số. Địa hình chủ yếu là đồi núi cao, xen lẫn sông suối, kinh tế chưa phát triển. Cũng vì vậy mà nhiều năm qua, câu chuyện về giảm nghèo luôn là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương này khi bài toán thoát nghèo vẫn chưa thực sự bền vững.
Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, công tác giảm nghèo ở Bình Liêu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều hộ dân đã thành công ra khỏi diện nghèo, cận nghèo nhờ được tiếp cận đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để phát huy lợi thế đất đai trồng cây có giá trị cao như quế, hồi, sa mộc, ba kích, kết hợp chăn nuôi dê, gà.
Bên căn nhà mới kiên cố, vững chắc do các đơn vị hảo tâm và các đoàn thể, chính quyền địa phương chung tay hỗ trợ, tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn, anh Tằng Dảu Phồng hồ hởi khoe, trước đây cả nhà gần chục người sống trong căn nhà trình tường đất rộng mấy chục mét vuông của ông bà để lại bị hư hỏng, dột nát, nay xây được nhà mới, yên tâm làm ăn sinh sống.
Tận dụng diện tích vườn đồi rộng, bằng nguồn vốn vay chính sách của tỉnh, gia đình mạnh dạn đầu tư trồng quế, hồi và nuôi đàn dê gần 20 con cho thu nhập mỗi năm trên100 triệu, đã giúp cho gia đình anh Phồng từ một hộ khó khăn vươn lên thành hộ khá giả trong bản, có được thành quả như hôm nay, gia đình tôi phải cảm ơn cán bộ xã đã luôn quan tâm cũng như khuyến khích canh tác đất đồi, trồng cây có giá trị, kết hợp chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo- anh Phồng bộc bạch.
Thời gian qua, huyện Bình Liêu đã tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo từ các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cụ thể hóa và vận dụng tốt các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Trong năm 2022 đã có gần 100 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện vay vốn với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Huyện cũng mở 15 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn, 4 lớp tập huấn quy trình canh tác, quản lý vùng trồng có tiềm năng xuất khẩu. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh hỗ trợ xóa nhà ở chưa bền chắc đối với hộ nghèo. Nhờ vậy, năm 2022, trên địa bàn huyện giảm trên 300 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
“Trong 2 năm 2021 và 2022, tỉnh Quảng Ninh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng CSXH đã thực hiện cho vay với trên 1.800 lượt khách hàng, số tiền vay gần 140 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của tỉnh”.
“Trái ngọt” từ những chính sách hiệu quả
Dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021-2025 của Trung ương, bước vào năm 2022, toàn tỉnh vẫn còn 1.526 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,41%; 5.553 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,48% trong tổng số hộ dân toàn tỉnh. Theo kết quả rà soát, hầu hết những hộ nghèo này tập trung tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Do vậy, để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững theo đúng thực tế, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực hỗ trợ những vùng khó khăn như vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Một trong những biện pháp giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả trong thời gian qua là các địa phương đã triển khai cho vay tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát huy lợi thế đất đồi núi với diện tích lớn tại các huyện vùng cao để phát triển trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT thực hiện các mục tiêu về phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
Chia sẻ với Phóng viên, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết, với mục tiêu giảm nghèo bền vững để hộ nghèo, người dân vùng khó khăn được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch giảm nghèo. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 0,06% tổng số hộ dân toàn tỉnh, số hộ cận nghèo là 2.45 hộ, chiếm tỷ lệ 0,63% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
Với chính sách hợp lý, hiệu quả, Quảng Ninh đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là động lực vững chắc giúp Quảng Ninh trong lộ trình xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại.