Năm 2002, dự án NTTS kết hợp với chương trình giãn dân với quy mô 100 ha tại xã Hồng Thái Tây được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Dự án chia làm 3 vùng (lần lượt là vùng 1, vùng 2 và vùng 3) nằm tập trung tại khu vực Lạch Nghèn và Đầm Trũng ở phía Nam xã của Hồng Thái, giáp với xã Hoàng Quế với mục tiêu giãn dân kết hợp NTTS phát triển kinh tế từ nuôi tôm, cá. Đến nay có trên 230 hộ dân đang sinh sống và phát triển kinh tế hộ gia đình từ việc nuôi thủy sản tại 3 vùng nói trên. Cùng với việc được giao đất để NTTS, các hộ dân ở đây ban đầu xây cất những căn chòi, hay nhà cấp 4 vài chục mét vuông để trông nom các ao nuôi tôm, cá. Nhưng mấy năm trở lại đây, tình trạng các hộ dân “lợi dụng” việc theo kiểu đã đầu tư nuôi thả tôm, cá thì phải xây dựng nhà để trông nom, bảo vệ các ao NTTS nên đã có hàng chục hộ dân tự ý xây dựng những ngôi nhà mái bằng kiên cố, thậm chí có nhà xây cao 2-3 tầng nằm chình ình ngay bên bờ ao. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Tây cho biết, địa phương đã tổ chức rà soát về việc chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn xã từ năm 2014 đến hết năm 2017. Theo đó, trong 4 năm, xã đã lập biên bản xử lý 6 hộ dân tại các thôn 1, thôn 2 và thôn 6 vi phạm về sử dụng sai mục đích đất khu NTTS và tự ý chuyển mục đích sử dụng đất với số tiền xử phạt là 10,5 triệu đồng.
Điều đáng nói là trong báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế- xã hội năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 của UBND xã Hồng Thái Tây, không hề thấy có một trường hợp nào bị lập biên bản và xử phạt về việc xây nhà trái phép trên đất NTTS ở địa bàn xã.
Báo cáo là vậy, nhưng theo sự quan sát từ thực tế mà chúng tôi đếm sơ sơ tại các thôn, nhất là vùng NTTS có tới hàng chục hộ dân xây dựng nhà mái bằng kiên cố, thậm chí là cả nhà cao tầng. Hơn nữa, nhiều ngôi nhà mái bằng vừa được xây xong cách đây chưa lâu, khi vật liệu xây dựng như cát, đá vẫn nằm chình ình ngay tại cửa nhà.
Thực trạng là vậy, nhưng ông Chủ tịch xã Hồng Thái Tây vẫn quanh co, lý giải rằng “Có một số hộ xây dựng nhà mái bằng từ nhiều năm về trước, do lịch sử để lại, nên rất khó xử lý, chứ không có hộ xây mới”. Chỉ đến khi chúng tôi cho xem các hình ảnh về một số căn nhà bê tông kiên cố vừa mới xây dựng, thậm chí có ngôi nhà cao tới 3 tầng thì ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch xã Hồng Thái Tây mới thừa nhận là có tình trạng xây nhà kiên cố trái phép trên đất NTTS đã và đang diễn ra khá phức tạp, rất khó xử lý dứt điểm.
Trước tình trạng này, khi được hỏi chính quyền xã có biện pháp xử lý thế nào, Chủ tịch xã Hồng Thái Tây, Nguyễn Thanh Sơn cho biết “Chúng tôi sẽ cho lập biên bản, xử lý hành chính và có thể báo cáo lên thị xã để xử lý”.
Khi được hỏi xã đã tiến hành cưỡng chế trường hợp xây dựng nhà mái bằng trên đất NTTS nào chưa, ông Sơn cho biết “Năm 2016, xã đã phát hiện lập biên bản, tiến hành cưỡng chế đối với hộ bà Nguyễn Thị Hằng, khi gia đình bà đang đổ mái bê-tông căn nhà xây dựng trái phép trên đất NTTS tại khu vực Đầm Trũng”. Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn tiết lộ “Sau khi đoàn công tác của xã ra về, lợi dụng đêm tối, gia đình bà Hằng tiếp tục cho thợ thi công và hoàn thiện ngôi nhà và dọn về ở từ đó đến nay”.
Thiết nghĩ, với cách làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” của xã Hồng Thái Tây, thì việc ngày càng có nhiều ngôi nhà mái bằng kiên cố xây dựng trái phép trên đất NTTS là điều không tránh khỏi. Điều đáng lo ngại là, tình trạng này không chỉ diễn ra tại xã Hồng Thái Tây mà đang diễn ra tại nhiều vùng NTTS tại một số xã trên địa bàn TX Đông Triều. Việc xây dựng trái phép của các hộ dân đã phá vỡ quy hoạch tại các vùng NTTS, gây ô nhiễm môi trường từ rác, nước thải sinh hoạt, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản và tạo ra hệ lụy xấu đối với việc xử lý sau này.