Thời gian qua, Phong trào có bước phát triển mạnh mẽ và được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Các phong trào toàn dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trật tự an toàn xã hội, xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh ngày càng phát huy hiệu quả, chăm lo sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khỏe, phát triển thể dục, thể thao và thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Qua đó, Phong trào đã góp phần làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo nên động lực quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian qua, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” được triển khai sâu rộng, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia thực hiện. Đến nay, tỷ lệ số hộ gia đình được công nhận là Gia đình văn hóa trên toàn tỉnh đạt 89,5%. Cùng với đó, phong trào xây dựng “Làng, Khu phố văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” hoạt động sôi nổi, rộng khắp, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đến nay, tỷ lệ làng, khu phố được công nhận làng, khu phố văn hóa trên toàn tỉnh đạt 82,3%. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Hiện nay, toàn tỉnh có 97% số đám cưới và trên 96% số đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh.
Ông Trương Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền, Bộ TN&MT, Trưởng đoàn Kiểm tra làm việc với UBND phường Mông Dương |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất đinh như: Phong trào đã phát triển trên diện rộng nhưng chưa đều, kết quả đạt được của một số địa phương cơ sở chưa thực sự vững chắc; Công tác truyền thông về phát triển Phong trào chưa thực sự sâu sát, chưa liên tục; Kinh phí cho hoạt động nghiệp vụ của phong trào còn gặp nhiều khó khăn; Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào ở các cấp, các ngành, đoàn thể chưa có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ.
Tại buổi làm việc, Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị BCĐ Trung ương Phong trào tăng cường tổ chức các lớp tập huấn có nội dung thiết thực để các địa phương thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, văn bản liên quan đến Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, cũng như cung cấp các tài liệu tuyên truyền về Phong trào, phục vụ các tuyên truyền đến từng cộng đồng dân cư ở cơ sở.
Trước đó, Đoàn Kiểm tra cũng có buổi làm việc với UBND phường Mông Dương (TP. Cẩm Phả). Đoàn đã ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua và chỉ ra và những tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH tại địa phương.
Trưởng Đoàn Kiểm tra, ông Trương Văn Đạt ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Ninh trong việc triển khai Phong trào TDĐKXDĐSVH trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, Quảng Ninh cần phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo Phong trào của Tỉnh; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Phong trào một cách sâu rộng tới nhân dân trên địa bàn tỉnh; Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc thực hiện Phong trào, góp phần nâng cao hiệu quả hơn nữa.
Phạm Hoạch